Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

10:05, 22/05/2023

Đúng 9 giờ ngày 22-5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đúng 9 giờ ngày 22-5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn

Dự phiên khai mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến…

* Khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; 2 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên khai mạc
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên khai mạc

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong các quy định của từng dự án, dự thảo và sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, thúc đẩy, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội; Chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Khái quát tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, bối cảnh trong nước và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên khai mạc
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên khai mạc

Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm. Từ đó, đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước…

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết  Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TN-MT nhiệm kỳ 2021-2026.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp.

* Chương trình ngày làm việc đầu tiên

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, lãnh đạo Chính phủ sẽ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: quochoi.vn
Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình tiếp tục trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội dành phần lớn thời gian tiếp theo cho công tác nhân sự vào cuối buổi sáng và toàn bộ buổi chiều ngày làm việc đầu tiên.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 22 ngày, khai mạc ngày 22-5, kết thúc ngày 23-6 và được tổ chức làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 22-5 đến 10-6; đợt 2 từ ngày 19-6 đến 23-6.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều