Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ 4: Tiền có phải là giải pháp 'giữ người'?

08:05, 30/05/2023

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh cuối năm 2022 đã thông qua nghị quyết số 34 hỗ trợ nguồn nhân lực y tế trong tỉnh, giai đoạn 2023-2025.

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh cuối năm 2022 đã thông qua nghị quyết số 34 hỗ trợ nguồn nhân lực y tế trong tỉnh, giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, Đồng Nai chi gần 900 tỷ đồng để hỗ trợ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, để nhân viên y tế gắn bó lâu dài còn cần nhiều giải pháp mang tính bền vững.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành Y tế cả về xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và con người. Điển hình, từ đầu năm nay, nhân viên y tế từ tuyến trạm đến tuyến tỉnh đã nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 34, trung bình là khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, dù Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố tạm ngưng thực hiện các gói phụ cấp để chuẩn bị cho cải cách tiền lương mới, tuy nhiên, nhận thấy sự cống hiến lớn lao của nhân viên y tế, nhất là trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 34. Mức hỗ trợ dao động từ 1-4 triệu đồng/người/tháng.

“Mức hỗ trợ này bằng mức thu ngân sách của 2/11 huyện, thành phố. Đây chính là sự quan tâm, ghi nhận và trân trọng của lãnh đạo tỉnh đối với những đóng góp của nhân viên y tế” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho hay.

Nhờ sự hỗ trợ này, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với các năm trước.

“Làm sao để chính sách thông thoáng, đúng quy định nhưng bệnh viện phải tự nuôi được chính mình, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Như vậy, phải có cơ chế cho chúng tôi được khám, chữa bệnh dịch vụ, cung cấp dịch vụ y tế mà người bệnh yêu cầu. Trong đó, giá do nhà nước quản lý, chúng tôi sẽ làm để có thêm nguồn thu để chia cho tất cả nhân viên của bệnh viện” - BS Tuấn đề xuất.

BS Lê Văn Lương, Phó giám đốc BVĐK Thống Nhất cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều y, bác sĩ xin quay trở lại làm việc sau một thời gian xin nghỉ. Trước tình trạng thiếu nhân lực, bệnh viện đã nhận họ “trở về”. Hơn nữa, họ là những người có kinh nghiệm lẫn chuyên môn.

“Một phần là tiền hỗ trợ làm cho thu nhập của nhân viên y tế tăng hơn trước, một phần khi làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân không phải ai cũng chịu được áp lực về sự cạnh tranh, do đó, nhiều người đã “vỡ mộng” và muốn trở về làm việc ở bệnh viện công” - BS Lương nhận định.

Tương tự, TTYT H.Trảng Bom từ đầu năm 2023 đến nay chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa 1 xin nghỉ việc. Nhưng có nhiều y, bác sĩ khác xin “về”. Do không còn quá thiếu nên trung tâm cũng “kén” chọn hơn trong việc tuyển dụng.

Trong khi ngành Y tế đã nhận được sự hỗ trợ thì viên chức ngành Giáo dục của tỉnh Đồng Nai vẫn đang mỏi mòn chờ đợi các chính sách hỗ trợ. Trong thời gian đó, các thầy, cô khối công lập không thể yên tâm làm việc, và “làn sóng” nghỉ việc là một hệ quả tất yếu.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT, trong 3 năm qua, đã có đến 1.576 viên chức trong ngành nghỉ việc. Trong đó, năm 2020 là 512 người, năm 2021 là 350 người và đặc biệt, năm 2022 vừa qua có đến 714 người nghỉ việc. Một số giáo viên đã chuyển sang các trường tư thục để có thu nhập tốt hơn, nhưng cũng không ít người đã quyết định ra khỏi ngành.

Trong khi đó, ngành GD-ĐT cũng đang rất khó khăn trong việc tuyển viên chức do áp lực công việc cao, thu nhập thấp. Toàn ngành vẫn đang trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 vốn đòi hỏi rất cao về nhân lực.

Cụ thể, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn tin học, ngoại ngữ là bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Đối với bậc THPT cũng có một số môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Đây cũng là các môn mà nhiều trường đang thiếu giáo viên.

Ảnh minh họa: Một tiết học tại Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa
Ảnh minh họa: Một tiết học tại Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, hiện nay một số giáo viên cân nhắc chuyển đến các địa phương có chính sách thu hút, lương bổng cao hơn, trong khi các sinh viên vừa ra trường cũng lựa chọn các trường ngoài công lập với mức lương khởi điểm cao hơn. Đó là hai trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là khó khăn chung của các trường công lập hiện nay và rất cần những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.

“Cùng học 4-4,5 năm đại học, cùng sử dụng trí tuệ, nhưng giáo viên còn dùng cả tình cảm của mình để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Dù vậy, mức lương thấp đang khiến cho nhiều học sinh không muốn thi vào ngành Sư phạm nữa” - thầy Nguyễn Thế Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa chia sẻ.

BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho rằng, câu chuyện bác sĩ nghỉ việc do nhiều nguyên nhân, trong đó thu nhập là nguyên nhân chính. Việc hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 34 chỉ là giải pháp trước mắt. Nhưng để giữ chân bác sĩ ở lại bệnh viên công, ngoài tăng thu nhập, họ phải được làm việc, học tập, nghiên cứu và cống hiến. Giải pháp mang tính bền vững để bệnh viện công phát triển và có nguồn nhân lực chất lượng, theo BS Tuấn, bệnh viện phải được tự chủ tài chính đúng nghĩa.

BS Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế nhấn mạnh, việc hỗ trợ của tỉnh sẽ giảm bớt khó khăn về thu nhập của nhân viên y tế nhưng chỉ mang tính có thời hạn. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ở cơ sở nhà nước sang làm tư nhân sẽ luôn diễn ra, chỉ khác là ít hay nhiều. Do đó, để giữ chân nhân viên y tế thì cần cả thu nhập lẫn môi trường làm việc tốt. Trong đó, bác sĩ phải được làm việc, được học nâng cao chuyên môn.

“Để làm được cả 2 điều này gần như rất khó vì còn liên quan đến cơ chế, chính sách như phân tuyến kỹ thuật. Cùng bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, bằng cấp như nhau và làm 1 kỹ thuật nhưng viện phí tuyến huyện lại thấp hơn tuyến tỉnh” - BS Trung nói.

Một trong những giải pháp khác, theo BS Trung là cần để các bệnh viện tự chủ hoàn toàn, phát triển theo đúng năng lực, thế mạnh của mỗi đơn vị.

Cần những giải pháp bền vững để bác sĩ, giáo viên khối công lập yên tâm làm việc
Cần những giải pháp bền vững để bác sĩ, giáo viên khối công lập yên tâm làm việc

Đối với ngành Giáo dục, từ năm học 2023-2024, Đồng Nai sẽ bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2022-2025) theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Cụ thể, những sinh viên sư phạm thuộc diện giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo sẽ có cơ hội được hỗ trợ mỗi tháng là 3,6 triệu đồng (với thời gian 10 tháng/năm học). Khi tốt nghiệp, sinh viên phải về công tác tại Đồng Nai với thời gian tối thiểu gấp đôi thời gian hỗ trợ đào tạo.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều sinh viên theo học các ngành sư phạm, từ đó góp phần nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh.

Cùng với đó, để giúp giáo viên yên tâm làm việc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, Sở GD-ĐT đang xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên để tham mưu cho UBND tỉnh, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp cuối năm. Trong đó, gồm các chính sách như định mức hỗ trợ ban đầu, hàng tháng, hỗ trợ về nơi ở cho giáo viên…

“Song song đó, việc đề xuất cử tuyển ngành Sư phạm các môn học đang thiếu giáo viên cũng là vấn đề quan tâm của ngành” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết thêm.

Bích Nhàn - Vi Lâm - Đắc Nhân

 

Tin xem nhiều