Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên, bác sĩ bỏ nghề: Tiền có đủ giữ chân màu áo trắng? (Kỳ 1)

08:05, 27/05/2023

Hai nghề nghiệp được xem là cao quý của xã hội lâu nay là giáo viên và bác sĩ đang đứng trước rất nhiều áp lực. Tình trạng bác sĩ và giáo viên nghỉ việc, di chuyển từ khu vực công sang tư, tuyển dụng giáo viên mới rất khó khăn… diễn ra phổ biến trong mấy năm gần đây.

Hai nghề nghiệp được xem là cao quý của xã hội lâu nay là giáo viên và bác sĩ đang đứng trước rất nhiều áp lực. Tình trạng bác sĩ và giáo viên nghỉ việc, di chuyển từ khu vực công sang tư, tuyển dụng giáo viên mới rất khó khăn… diễn ra phổ biến trong mấy năm gần đây.

Thu nhập thấp, không tương xứng với công sức và áp lực công việc được xác định là nguyên nhân chính khiến họ “dứt áo ra đi”. Mới đây, tỉnh đã hỗ trợ gần 900 tỷ đồng cho các y, bác sĩ để hạn chế tình trạng này và cũng đang ráo riết kiến nghị, đề xuất các chế độ tốt hơn cho giáo viên để giữ chân người cũ, tuyển dụng người mới. Dù vậy, tiền có phải là tất cả? Và liệu có trở thành động lực để họ gắn bó lâu dài với màu áo trắng - vốn là màu áo được xem là biểu tượng của 2 nghề đặc biệt này?

Thời gian làm việc dài, nhiều công việc không tên khiến cả lực lượng y, bác sĩ lẫn giáo viên phải “chạy” hết công suất. Ngoài thu nhập thấp thì môi trường làm việc và cảm giác thiếu được tôn trọng là lý do chính khiến cả điều dưỡng lẫn bác sĩ chọn cách “dứt áo ra đi” khỏi bệnh viện công, còn giáo viên thì dù yêu nghề vẫn nản lòng.

Một ngày trực của các y, bác sĩ Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất kéo dài 24 giờ. Ê-kíp trực gồm 1 bác sĩ, 5 điều dưỡng và 1 hộ lý. Họ phải phụ trách khoảng 250 bệnh nhân chạy thận. Ngoài số bệnh nhân chạy thường kỳ, nơi đây còn phải tiếp nhận thêm các bệnh nhân nặng từ các khoa khác phải lọc máu. Ban ngày, giờ làm việc hành chính còn có vài bác sĩ làm cùng, buổi tối chỉ có 7 người “gánh” việc.

Tình trạng bác sĩ và giáo viên nghỉ việc diễn ra phổ biến những năm gần đây
Tình trạng bác sĩ và giáo viên nghỉ việc diễn ra phổ biến những năm gần đây

Bệnh nhân chạy thận đông, liên tục 4 ca/ngày nên nhân viên ở đây cũng phải “chạy” hết công suất mới kịp phục vụ. Dù vậy, thu nhập lại có sự “chênh” rất lớn so với công sức bỏ ra. Cụ thể, một bác sĩ làm việc gần 10 năm như BS Lương Thị Tươi, tổng thu nhập không quá 10 triệu đồng/tháng.

“Đuối sức là tình trạng mà chúng tôi phải đối mặt thường xuyên vì cường độ làm việc quá lớn. Tôi không còn thời gian để chăm sóc gia đình hay làm bất kỳ điều gì mình mong muốn. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều đồng nghiệp có năng lực, chuyên môn tốt đã chọn cách từ bỏ nơi này” - BS Tươi chia sẻ.

Video: Khoa Chạy thận nhân tạo BVĐK Thống Nhất

Dù đang làm hồ sơ để lãnh đạo bệnh viện cử đi học lên cử nhân điều dưỡng nhưng điều dưỡng V.T.Đ. đã xin nghỉ việc khi đang làm tại Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK khu vực Long Khánh.

Ngoài câu chuyện thu nhập thì lý do chính mà chị Đ. xin nghỉ và bỏ nghề còn là áp lực từ nhiều phía như: thời gian làm việc kéo quá dài; trực gác liên tục, khó xin nghỉ phép và… bị “ăn chửi”.

Các bác sĩ, điều dưỡng của BVĐK Thống Nhất đặt nội khí quản cho bệnh nhân
Các bác sĩ, điều dưỡng của BVĐK Thống Nhất đặt nội khí quản cho bệnh nhân

Chị Đ. tâm sự: “Khoa bệnh nặng là chủ yếu và chúng tôi làm việc như một cái máy, từ chăm sóc đến làm hồ sơ thanh toán viện phí cho bệnh nhân. Nếu muốn nghỉ phép, chúng tôi phải đổi trực cho nhau hoặc đăng ký trước từ đầu năm.

Mình làm sao biết cuộc sống gặp chuyện “bất trắc” ngày nào để đăng ký nghỉ phép trước. Hơn nữa, chuyện “ăn” chửi hay dọa nạt từ người nhà bệnh nhân lại không phải là hiếm. Tôi thấy mình không được tôn trọng và không được bảo vệ nên rất stress khi làm việc”.

Dù làm việc tại môi trường y tế tư nhân nhiều năm, BS Đinh Văn Sức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đại học Y dược Shingmark (TP.Biên Hòa) thừa nhận, tuy bệnh viện công trả lương vẫn còn thấp nhưng chính là cái nôi đào tạo, nâng cao tay nghề cho các y, bác sĩ.

Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức – tích cực, BVĐK Đồng Nai
Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức – tích cực, BVĐK Đồng Nai

“Một bác sĩ mới ra trường đã làm việc tại bệnh viện tư ngay thì tỷ lệ thành công thấp hơn các bác sĩ đã từng làm việc tại bệnh viện công. Lý do là khi làm việc ở bệnh viện công, các bác sĩ được tiếp cận nhiều ca bệnh khó, từ đó, chuyên môn sẽ vững vàng hơn. Tôi thấy mình cần phải cảm ơn môi trường rèn luyện ở bệnh viện công” - BS Sức tâm sự.

BS Sức đã rời bỏ môi trường y tế công lập nhiều năm. Lương thấp không phải là vấn đề chính để vị bác sĩ này quyết định “dứt áo ra đi” vào khoảng 6 năm trước khi đang làm việc tại BVĐK Thống Nhất. Bởi thực tế, ngoài thu nhập ở bệnh viện thì BS Sức còn làm thêm cho các phòng khám và mở phòng mạch tại nhà.

“Tôi đã làm tốt công tác chuyên môn và được lãnh đạo bệnh viện công nhận. Nhưng điều tôi mong muốn là vị trí công tác phải tương xứng với năng lực để có cơ hội phát triển nghề nghiệp, chuyên môn hơn. Và không được đáp ứng trong thời gian dài, tôi mới đành nghỉ việc” - BS Sức chia sẻ.

Giờ, điều dưỡng Đ. chuyển sang làm dịch vụ trang điểm, nail. Chị Đ. không cảm thấy hối hận khi chuyển nghề dù có chút nuối tiếc về công học hành nhiều năm.

Cũng như các y, bác sĩ và nhân viên y tế, các thầy cô giáo cũng đang đối mặt với khối lượng công việc rất nặng nề. Thông thường, mỗi ngày làm việc, giáo viên sẽ có một buổi giảng dạy trên lớp. Thời gian còn lại, các thầy cô phải làm rất nhiều công việc khác như: chuẩn bị giáo án, hoàn thiện các loại sổ sách, hồ sơ, học bạ của học sinh. Đây hầu hết là các công việc “không tên” nhưng chiếm rất nhiều thời gian.

Ảnh minh họa: Giáo viên trường THPT Trấn Biên ôn thi cho học sinh lớp 12
Ảnh minh họa: Giáo viên trường THPT Trấn Biên ôn thi cho học sinh lớp 12

Không chỉ vậy, giáo viên còn muôn vàn việc khác như tham gia các hoạt động phong trào, tập huấn, các cuộc thi. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cũng có nhiều đổi mới, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Do đó, các thầy cô giáo cũng phải liên tục cập nhật các kiến thức để theo kịp các nội dung mới.

Cô A., giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết: “Làm việc trong và ngoài giờ rất nhiều, đặc biệt là cuối năm có rất nhiều hồ sơ cần giải quyết. Đối với chương trình mới, sách giáo khoa mới, giáo viên phải soạn lại từ đầu, học lại từ đầu và tìm hiểu lại từ đầu”.

Ở cấp tiểu học, giáo viên có thêm một công việc khác, đó là trông trẻ ở nhà. Việc này giúp họ có thêm thu nhập, nhưng cũng khiến khối lượng công việc càng gia tăng.

“Công việc của giáo viên rất nhiều, nên nhiều khi chúng tôi cũng cảm thấy áp lực. Thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi hầu như không có” - cô N., một giáo viên tiểu học ở TP.Biên Hòa chia sẻ.

Ảnh minh họa: Một tiết học tại Trường THCS Hoàng Diệu, TP.Biên Hòa
Ảnh minh họa: Một tiết học tại Trường THCS Hoàng Diệu, TP.Biên Hòa

Các giáo viên còn phải liên hệ với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là em “cá biệt”. Do đó, thời gian làm việc của giáo viên không gói gọn trong 8 tiếng, mà có thể kéo dài từ sáng cho đến đêm. Nhiều việc trong số này là những công việc “không tên”, “không thể nhìn thấy” và chưa có sự ghi nhận xứng đáng.

Công việc nhiều là thế, nhưng mức lương của giáo viên công lập hiện nay lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Hiện nay, giáo viên mới ra trường vào làm việc ở các đơn vị công lập chỉ có hệ số lương 2,34 - tương đương mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực, nhưng chưa có sự ghi nhận, đãi ngộ xứng đáng, nên dù rất yêu nghề, không ít thầy cô giáo khối công lập đã mệt mỏi và nản lòng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đánh giá, nghề y rất vất vả, ngoài làm giờ hành chính còn phải trực gác. Trong khi bệnh nhân, có nhiều người nôn nóng, nên đâu đó vẫn xảy ra tình trạng hành hung nhân viên y tế. Lãnh đạo tỉnh đều hiểu và nắm rõ những cống hiến đóng góp của nhân viên y tế, nhất là trong đại dịch Covid-19. Do vậy, lãnh đạo tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển ngành Y tế.

Bích Nhàn - Vi Lâm - Đắc Nhân

Kỳ 2: Nhiều người bỏ việc vì bị tổn thương

 

Tin xem nhiều