Chiều 28-10, phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Phan Thanh Hữu, một trong những đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu xăng khủng do Công an Đồng Nai triệt phá.
Chiều 28-10, phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, quê tỉnh Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh), một trong những đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu xăng khủng do Công an Đồng Nai triệt phá.
Bị cáo Phan Thanh Hữu trình bày lời khai trước HĐXX vào chiều 28-10 bằng văn bản đã được soạn trước. Ảnh: Trần Danh |
* Dùng hồ sơ giả để đối phó khi bị kiểm tra
Tại tòa, HĐXX hỏi bị cáo Hữu về việc góp vốn với bị cáo Viễn (54 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) để buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam được thực hiện như thế nào thì Hữu cho rằng, mình chỉ là người trung gian chở thuê xăng từ tàu của Viễn để giao lại cho Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) để tiếp tục bán cho các đầu mối khác, còn việc phân chia lợi nhuận không liên quan.
Khai về quá trình hợp tác làm ăn giữa Hữu với Viễn và Tứ, từ đầu năm 2020, Hữu thường xuyên vận chuyển xăng sang Campuchia để bán. Tuy nhiên, sau khi kết nối được với Viễn và Tứ thì Hữu bắt đầu chuyển sang vận chuyển xăng để tiêu thụ trong nước.
Để thực hiện việc vận chuyển xăng từ 2 tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea của Viễn từ khu vực phao số 0 vào các cảng của Việt Nam, Hữu đã có đội tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09. Ngoài ra, số thuyền trưởng và tiền nhân công cho các con tàu này đều do Hữu chịu trách nhiệm quản lý và chi trả.
Tòa hỏi quá trình vận chuyển xăng trên các tàu này thì bị cáo có liên hệ với hai thuyền trường để điều hành?
Bị cáo Hữu cho biết quá trình tiếp nhận xăng, khi thuyền trưởng nhận xong hàng neo tại phao số không thì liên hệ với Hữu cho tàu của mình đưa xăng vào địa phận Việt Nam.
Trong đó, các tàu Nhật Minh của Hữu sau khi nhận xăng từ tàu của Viễn (ở phao số 0) biết an toàn mới bắt đầu đưa vào khu nhà yến của Tứ (ở tỉnh Vĩnh Long) để cung cấp cho các đầu mối.
Trong trường hợp có người kiểm tra tàu khi cập bến thì bị cáo dùng một bộ hồ sơ giả để đối phó với cơ quan chức năng. Số giấy tờ giả này đều do Hữu tự làm giả.
Tại tòa, Hữu khai, trong quá trình nhập xăng các tàu của bị cáo có bị kiểm tra một lần nhưng không bị xử lý. Quá trình buôn xăng, bị cáo đều báo cho cán bộ Cảnh sát biển, Cảng vụ, và một số lực lượng khác để không bị xử lý.
Khai trước tòa bị cáo Hữu cho biết, khi 2 thuyền trưởng có trục trặc gì thì bị cáo liên hệ với các thuyền trưởng để định tọa độ nhằm hỗ trợ. Ngoài ra, việc liên hệ với các thuyền trưởng để xem nếu thấy xăng trên tàu có màu trắng quá thì Hữu sẽ mang hóa chất ra tàu để trực tiếp pha chế để xăng có màu hợp với màu xăng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
* Phan Thanh Hữu chỉ thừa nhận thu lợi hơn 102 tỷ đồng
Quá trình xét hỏi, HĐXX cũng chất vấn về việc có hay không mối quan hệ làm ăn giữa Hữu và Công ty TNHH TMDV Vân Trúc (tỉnh Bình Dương) do bị cáo Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc) và Lê Thanh Tú (56 tuổi, chồng bị cáo Vân).
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Trần Danh |
Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Hữu cho biết, quá trình nhập xăng lậu vào Việt Nam chỉ bán cho một mình Tứ, ngoài ra không bán cho đầu mối nào khác.
Tại phiên tòa, Hữu cho rằng, việc khai nhận tại cơ quan điều tra việc bị cáo bán xăng cho vợ chồng Vân, Tú là do hướng dẫn của cán bộ điều tra.
“Lúc đó nghĩ rằng việc bán xăng cho ai thì hành vi cũng như vậy nên bị cáo khai. Tuy nhiên, khi xác định lại bị cáo nhận thấy việc bị cáo bán xăng cho Vân và Tú sẽ làm sai bản chất của sự việc. Vì việc bán xăng cho vợ chồng Vân, Tú sẽ có phần chiết khấu cao hơn dẫn đến số tiền thu lợi của bị cáo chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, thực tế bị cáo chỉ hưởng chiết khấu từ Tứ là ít hơn” - Hữu trình bày.
Hữu cho rằng, việc nhập xăng chỉ quy về một đầu mối để bán là Tứ. Còn các đầu mối này đều do Tứ kết nối và trực tiếp bán ra.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã công bố bút lục thể hiện rằng, trong lời khai của Vân và Tú đều thể hiện có mua xăng của Hữu để bán ra thị trường vì có chiết khấu chênh lệnh cao hơn so với các nguồn khác. Chủ tọa cũng đã cho hai bị cáo Vân và Tú xác nhận việc này ngay tại tòa và đều xác nhận có mua bán xăng với Hữu.
Ngoài ra, HĐXX cũng cho triệu tập điều tra viên trực tiếp lấy lời khai bị cáo Hữu để đối chất. Tại tòa điều tra viên xác định, quá trình lấy lời khai đều được thực hiện đúng quy định. Sau khi ghi lời khai đều cho bị cáo đọc lại toàn bộ nội dung và ký vào biên bản.
Đối với khoản tiền thu lợi bất chính, khi được trình bày trước tòa, Hữu cho rằng, các tàu Nhật Minh do Hữu đứng chủ vận chuyển 190 triệu lít xăng nhưng chỉ có 127 triệu lít được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Số còn lại Hữu bán cho các đầu mối khác để đưa sang Campuchia bán. Chính vì vậy nên việc xác định nguồn thu nhập bất chính của Hữu trong vụ án này hơn 156 tỷ là không chính xác.
Theo bị cáo Hữu, với tổng số tiền hơn 1 ngàn tỷ đồng từ việc nhập lậu xăng vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì Hữu chỉ thu lợi hơn 102 tỷ đồng chứ không phải hơn 156 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu.
Về phần xăng được vận chuyển đi Campuchia thì bị cáo Hữu cho rằng, không vi phạm pháp luật Việt Nam nên không tính vào nguồn thu lợi bất chính trong vụ án này.
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, quá trình vận chuyển 190 triệu lít xăng lậu vào Việt Nam tiêu thụ, Hữu còn có sự giúp sức của 18 bị can khác đều là quản lý, thuyền viên trên các tàu vận tải do Hữu quản lý. Quá trình điều tra cơ quan công an xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu đã thu lợi hơn 156,2 tỷ đồng. |
Trần Danh