(ĐN) - Ngày 29-4, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả nước.
(ĐN) - Ngày 29-4, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả nước.
Trong chương trình tập huấn, cán bộ tín dụng chính sách trong cả nước đã được hướng dẫn một số nội dung liên quan đến cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, gồm: các thủ tục lập hồ sơ vay vốn đối với khách hàng; thời gian áp dụng đối với từng khoản vay; quá trình trả nợ, trả lãi, thu nợ, thu lãi; kiểm tra sau khi cho vay…
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nguồn vốn vay được bố trí dành cho chương trình này là 1,4 ngàn tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp đối với khách hàng là: cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 ít nhất 1 tháng tính đến thời điểm vay vốn. Khách hàng có phương án vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động và được Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định. Tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm ngày 23-1-2020.
Theo đó, mức cho vay tối đa đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là 80 triệu đồng. Trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục được vay tối đa 200 triệu đồng. Thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng với lãi suất cho vay là 3,3%/năm…
Sông Thao