(ĐN) - Sáng 12-4, Thường trực Tỉnh uỷ đã làm việc với Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh, các sở, ngành, chủ đầu tư khu xử lý (KXL) chất thải về tình hình thu gom, xử lý chất thải và tiến độ đầu tư, tình hình hoạt động xử lý chất thải của các KXL theo quy hoạch.
(ĐN) - Sáng 12-4, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh, các sở, ngành, chủ đầu tư khu xử lý (KXL) chất thải về tình hình thu gom, xử lý chất thải và tiến độ đầu tư, tình hình hoạt động xử lý chất thải của các KXL theo quy hoạch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi làm việc |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 Đồng Nai hiện có 9 KXL với chất thải với 17 dự án, tổng diện tích hơn gần 460ha. Hiện có 2 KXL với 3 dự án đã ngưng hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu về môi trường. 7 KXL với 14 dự án đang hoạt động, đang thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, các dự án này cơ bản đáp ứng được khối lượng chất thải phát sinh đến năm 2025.
Tồn tại hiện nay doanh nghiệp đầu tư nhà máy, công nghệ theo công suất được duyệt nhưng lượng chất thải tiếp nhận ít; Luật Bảo vệ môi trường không định hướng loại công nghệ, tiêu chí lựa chọn thiết bị xử lý chất thải; các KXL chất thải chủ yếu tập trung khâu xử lý, chưa đầu tư tái chế, tái xử lý; đơn giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt thấp và quy định đấu thầu hàng năm gây khó khăn cho nhà đầu tư; một số KXL bị địa phương nợ tiền từ nhiều năm trước.
Đại diện Sở TN-MT báo cáo tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các sở, ban, ngành cho ý kiến về hướng giải quyết các vướng mắc, hoàn thiện đầu tư các KXL chất thải theo quy hoạch.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, quy hoạch công suất các KXL chất thải hiện nay vượt xa so với phát sinh thực tế, chỉ nên quy hoạch tăng 50% chất thải cho 5 năm tới. Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt cần phải bàn kỹ, Đồng Nai hiện chủ yếu xử lý chất thải sinh hoạt làm mùn phân hữu cơ nhưng mùn này được tái sử dụng như thế nào hay đem chôn? Tỉnh phải xây dựng lộ trình chuyển sang đốt rác, đẩy nhanh tiến độ dự án đốt rác phát điện đồng thời yêu cầu các KXL chất thải từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý. Kiểm soát chặt chẽ nguồn chất thải, có chế tài đủ mạnh buộc các cơ sở phát sinh chất thải phải giao nộp cho đơn vị thu gom. UBND tỉnh và các sở, ngành xem lại quy định đấu thầu hằng năm, xem xét thí điểm nâng chi phí xử lý chất thải theo công nghệ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đi kiểm tra KXL chất thải xã Bàu Cạn trước đó |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh sớm hoàn thiện Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trình Thường trực Tỉnh ủy. Đề án phải lưu ý phương tiện vận chuyển, thu gom chất thải; tích hợp kế hoạch, yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy hoạch lại các khu KXL chất thải rắn sinh hoạt theo hướng đốt rác thì không cần nhiều KXL, không cần diện tích đất lớn. HĐND tỉnh, HĐND các cấp, các địa phương tăng cường giám sát môi trường, đặt biệt rác thải.
Hoàng Lộc