(ĐN) - Sáng 14-1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị.
(ĐN) - Sáng 14-1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn và đại diện Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh tham dự.
Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn và đại diện Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị |
Theo Bộ Tư pháp, Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng cho phù hợp với thực tiễn phát triển nghề công chứng ở Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong quá trình áp dụng, thực thi luật thời gian qua như: số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ứng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, thiếu sự liên kết, tích hợp giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các dữ liệu của các ngành có liên quan. Việc phân định công chứng - chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động; phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng; công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để…
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2024 với một số nội dung lớn cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc đổi mới và phát triển nghề công chứng; giữ nguyên quy định buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) như quy định tại Luật Đất đai hiện hành, quy định rõ hơn về thời điểm có hiệu lực của việc công chứng và đăng ký để tránh cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa rủi ro tranh chấp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Công chứng, thống nhất quan điểm xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong việc góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, phòng, chống giao dịch “ngầm” về bất động sản, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đoàn Phú