Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng ứng phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ 5

03:11, 25/11/2021

(ĐN) - Sáng 25-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 trên toàn quốc.

 

(ĐN) - Sáng 25-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 trên toàn quốc.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.

Theo đó, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4, lây lan ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Để ứng phó với dịch bệnh, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, có những thay đổi trong phác đồ điều trị, phù hợp với từng thời điểm dịch bệnh. Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng 3 gói thuốc cơ bản A, B, C trong điều trị Covid-19. Trong đó, gói thuốc A là những loại thuốc thông thường như: hạ sốt, ho, vitamin bồi bổ sức khoẻ. Gói thuốc B có thêm thuốc kháng viêm, kháng đông. Gói thuốc C có thêm thuốc kháng virus Molnupiravir.

Bộ Y tế đã phân bổ 250 ngàn viên thuốc Molnupiravir cho các địa phương để thực hiện thí điểm chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng. Kết quả đánh giá cho thấy, thuốc đạt hiệu quả tốt, có khoảng 72-93% tỷ lệ bệnh nhân âm tính sau khi sử dụng thuốc Molnupiravir 5 ngày.

Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, như thuốc favipiravir, thuốc Avigan. Những thuốc này sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, 2 ngàn liều thuốc kháng thể kép cũng sẽ được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Qua đó, nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khi bước vào trạng thái bình thường mới, tỷ lệ bao phủ vaccine đã đạt trên 70%, thì việc đếm số ca mắc bệnh hằng ngày không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, phải tập trung điều trị để giảm ca bệnh nặng, ca nhập viện, tử vong. Do đó, các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch thật sát, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, đặc biệt là những F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

 Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, nhất là người trên 50 tuổi; sử dụng có hiệu quả thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng, hạn chế tình trạng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó khi xảy ra đợt dịch lần thứ 5.

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Đồng Nai là địa phương xếp thứ 3 trong cả nước về số ca mắc và số ca tử vong trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 của Đồng Nai tương tự TP.HCM. Toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng hơn 84,5 ngàn bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 70,8 ngàn bệnh nhân đã khỏi bệnh, 703 ca tử vong.

Tỉnh đã chuyển đổi Bệnh viện Phổi thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19; triển khai 11 Bệnh viện dã chiến quy mô từ 300 - 3.000 giường bệnh; thành lập các khu cách ly tập trung với quy mô 20 ngàn giường để cách ly F0 do các địa phương quản lý. Riêng tầng 3 của tháp điều trị, nhờ có sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương nên đã nâng công suất tầng 3 của tỉnh lên gần 300 giường. Từ cuối tháng 7, công tác điều trị tháp 3 tầng của Đồng Nai đã đi vào ổn định. Tỷ lệ tử vong là 0,8%, thấp hơn tỷ lệ tử vong bình quân chung của cả nước và một số tỉnh, thành phía Nam.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển qua thích ứng với giai đoạn mới nhưng vấn đề đặt ra là có nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng mắc Covid-19, nguy cơ tử vong cao. Số bệnh nhân tầng 3 tăng nhanh, khiến các khu điều trị tầng 3 bị quá tải, số bệnh nhân tử vong không giảm so với thời điểm trước kia.

Ngoài ra, hiện có gần 10 ngàn trường họp F0 điều trị tại nhà với 200 trạm y tế lưu động nhưng đến nay các trạm y tế đều quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều