Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp

09:11, 25/11/2021

Nhằm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên về xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật; cung cấp, phổ biến chính sách pháp luật đối với thanh niên; giải đáp các vấn đề liên quan đến thanh niên, sáng 25-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và đại diện các sở, ngành và Tỉnh đoàn đã có buổi đối thoại với thanh niên bằng hình thức trực tuyến.

Nhằm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên về xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật; cung cấp, phổ biến chính sách pháp luật đối với thanh niên; giải đáp các vấn đề liên quan đến thanh niên, sáng 25-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và đại diện các sở, ngành và Tỉnh đoàn đã có buổi đối thoại với thanh niên bằng hình thức trực tuyến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và các đại biểu chứng kiến ký kết chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Sở KH-CN về nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động KH-CN trong thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và các đại biểu chứng kiến ký kết chương trình phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Sở KH-CN về nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động KH-CN trong thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Ảnh: NGA SƠN

Với chủ đề Khát vọng tuổi trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, tại buổi đối thoại, cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và Tỉnh đoàn đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên.

* Nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Vạn Hỏa Long (TP.Biên Hòa) Ngô Quốc Huy cho hay, đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua, Tỉnh đoàn và các sở, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Là một người trẻ khởi nghiệp, anh Huy nhận thấy hiện nay thanh niên đang rất cần có một không gian làm việc chung để kết nối những người trẻ khởi nghiệp cùng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và cùng thực hiện các dự án khởi nghiệp. Vì vậy, anh Huy kiến nghị tỉnh thành lập các không gian làm việc chung dành cho những người trẻ nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên cho hay, về phía tổ chức Đoàn, Hội, khởi nghiệp, lập nghiệp đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng và môi trường để tích lũy, trau dồi. Đối với tổ chức Đoàn, Hội, hằng năm đều có chương trình Học kỳ doanh nghiệp với các hoạt động đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các lớp tập huấn cho thanh niên ở các lĩnh vực; Đoàn, Hội còn có các mô hình, CLB khởi nghiệp giúp ĐVTN tự học lẫn nhau…

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 khu vực làm việc chung được đặt tại Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học Công nghệ Đồng Nai tạo điều kiện cho ĐVTN giao lưu, trao đổi trực tiếp với giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên có ý tưởng và dự án khởi nghiệp. Thời gian tới, Sở KH-CN sẽ xúc tiến để phát triển các khu làm việc chung tại các trường đại học, cao đẳng còn lại, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có sân chơi trao đổi, học hỏi, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình. Dự kiến năm 2022, Sở KH-CN sẽ tham mưu UBND tỉnh hình thành không gian làm việc chung trong khuôn viên Sở; đồng thời, kết nối với đội ngũ cố vấn để đào tạo, tập huấn, tư vấn cho thanh niên có ý tưởng/dự án khởi nghiệp…

Từ điểm cầu H.Tân Phú, anh Phạm Thanh Trà, Bí thư Đoàn TT.Tân Phú đặt vấn đề, UBND tỉnh có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nói chung và DN trẻ nói riêng, các cơ sở kinh doanh do thanh niên làm chủ về vốn và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là câu hỏi được nhiều ĐVTN quan tâm gửi đến chương trình thông qua các fanpage.

Về giải pháp hỗ trợ DN nói chung, DN trẻ nói riêng, Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, hằng năm tỉnh tổ chức gặp gỡ DN để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Đồng thời, ban hành đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa với nhiều chính sách hỗ trợ... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; các chính sách giảm giá điện, tiền điện; giảm mức thu một số khoản phí…

Liên quan đến vốn vay, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay ĐVTN tham gia nhiều nhất là chương trình tín dụng giải quyết việc làm. Hiện tổng dư nợ mà NHCSXH đang cho ĐVTN vay là trên 313 tỷ đồng (chiếm gần 10% tổng dư nợ của NHCSXH). Theo ông Hải, thời gian tới Tỉnh đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc phát hiện các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để phối hợp với NHCSXH thẩm định, giải ngân, tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận được nguồn vốn lớn.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, để tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin thị trường; hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; phối hợp xây dựng chuỗi liên kết…

* Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, tại buổi đối thoại, ĐVTN còn đề xuất nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ĐVTN mạnh dạn khởi nghiệp.

Chị Trương Thị Thanh Hương (xã Xuân Đường, H.Cẩm Mỹ) cho rằng, hiện nay thanh niên trong độ tuổi lao động khá lớn nhưng trình độ tay nghề còn thấp và cần có giải pháp để nâng cao trình độ tay nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn để giúp ĐVTN có thêm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, tại H.Long Thành có 2 trường là Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Bên cạnh đó, còn có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian ngắn, các cấp bộ Đoàn nên tuyên truyền thêm để ĐVTN biết và tham gia. Đối với thanh niên công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề để chuyển đổi nghề nghiệp thì tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng và đào tạo các trình độ từ trung cấp đến cao đẳng hệ vừa làm vừa học và các khóa đào tạo ngắn hạn vào buổi tối, ngày nghỉ… Vì vậy, ĐVTN có thể lựa chọn các ngành nghề và thời gian học tập phù hợp.

Bí thư Đoàn TT.Long Thành Lê Phi Hùng phản ánh, hiện nay thanh niên sau khi hoàn thành cấp học THPT đa số đều lựa chọn con đường học đại học, cao đẳng với mong muốn tương lai có công việc và mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi ra trường không tìm được việc hoặc làm những việc không đúng ngành nghề.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho rằng, có một tâm lý chung của nhiều người là thích học đại học, cao đẳng hơn là học nghề. Vì vậy, mặc dù được định hướng nghề nghiệp nhưng khi lựa ngành nghề thì hầu hết học sinh đều lựa chọn học đại học, cao đẳng dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, ra trường không tìm được việc làm. Do đó, các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không nên chăm chăm vào đại học mà cần lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với xu thế của thị trường lao động.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu gợi ý sinh viên ra trường không có việc làm có thể tự tạo việc làm bằng cách vay vốn khởi nghiệp từ NHCSXH các địa phương; các cơ sở dạy nghề có các môn học để chuyển đổi nghề nghiệp cho hợp lý. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH có trung tâm dịch vụ việc làm, ĐVTN có thể đến trung tâm phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn trực tuyến qua Facebook, Zalo… để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Tham gia tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Hoàng Duy, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho rằng, đối với sinh viên, để khởi nghiệp còn thiếu rất nhiều thứ, trong đó có kiến thức, kỹ năng huy động vốn, đầu tư, phát triển, con đường khởi nghiệp đúng đắn… Vì vậy, rất cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, tới đây tỉnh sẽ tổ chức các lớp cập nhật kiến thức về khởi nghiệp; xây dựng các mô hình kinh doanh marketing cũng như các chương trình talkshow để thúc đẩy cũng như truyền lửa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị liên quan cũng sẽ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và ĐVTN cũng có thể tham gia, trong đó sẽ có các chương trình định hướng để hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Dịp này, Tỉnh đoàn và Sở KH-CN cũng đã ký kết chương trình phối hợp về nâng cao nhận thức và thúc đẩy hoạt động KH-CN trong thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đóng góp của thanh niên cũng như mong muốn của ĐVTN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cũng đề nghị tổ thư ký chuyển tất cả các ý kiến, kiến nghị cho các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nếu cần thiết kiến nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các vấn đề thanh niên quan tâm.

Trong đó, Sở KH-ĐT hướng dẫn các chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN trẻ; NHCSXH phổ biến rộng rãi các chính sách vay vốn để thanh niên tiếp cận nguồn vốn; Sở NN-PTNT, Sở Công thương rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm sạch; riêng Sở NN-PTNT thông tin rộng rãi về các mô hình phát triển nông nghiệp mà ĐVTN quan tâm; Sở LĐ-TBXH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức giới thiệu việc làm tại các địa phương để ĐVTN tiếp cận. Đối với các lĩnh vực khác, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị các cơ quan, đơn vị có báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Nga Sơn

Tin xem nhiều