(ĐN) - Sáng 17-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) - Sáng 17-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu kết luận tại hội nghị |
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn tỉnh ghi nhận hơn 79 ngàn ca nhiễm Covid-19. Trong thời gian qua, nhờ tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy mạnh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên từ ngày 1-10, Đồng Nai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, các hoạt động kinh tế - xã hội đã từng bước phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 11, số ca nhiễm trong cộng đồng đang có chiều hướng tăng, với trung bình mỗi ngày ghi nhận 800 - 900 ca mắc mới. Con số này cũng chưa phản ảnh hết thực tế, nhưng đa số các ca F0 đều ở mức độ nhẹ và số ca tử vong đã giảm vì hầu hết đã được tiêm đủ liều vaccine.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự báo, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng trong thời gian tới, vì vậy các địa phương cần đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, cần thực hiện tốt việc cách ly F0, F1 tại nhà, tăng cường năng lực các trạm y tế lưu động.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thống nhất và còn lúng túng. Sự phối hợp giữa các ngành với địa phương chưa chặt chẽ. Điều này đã khiến người dân chưa được hỗ trợ kịp thời, gây tâm lý bất an, bức xúc.
Để kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế đã triển khai đến các địa phương những nội dung quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hướng dẫn xử lý F0 tại cộng đồng; hướng dẫn quản lý F0 tại nhà; thiết lập trạm y tế lưu động; bổ sung, hoàn thiện các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương cũng đã nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, như: có doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch để các F0 đi về khu nhà trọ mà không khai báo; số ca mắc trong công nhân tăng cao; thiếu nhân lực tại các trạm y tế lưu động; chưa có cơ chế thu hút y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch… Đại diện các địa phương cũng đề xuất thành lập khu cách ly tại các khu nhà trọ; xử lý các doanh nghiệp để F0 về cộng đồng không khai báo và tiếp tục có chế độ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng ghi nhận những nỗ lực của địa phương về các phương án, cách làm hiệu quả trong phòng chống dịch. Trong đó, mô hình triển khai cách ly F0 tại nhà hiệu quả, giúp giảm tải cơ sở y tế và người dân có điều kiện ở nhà chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ khó khăn với các địa phương, nhất là nhiều lãnh đạo các địa phương đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, lưu trú tại cơ quan để kiểm soát, phòng dịch. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để có hướng dẫn cụ thể trong triển khai hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Riêng Sở Y tế cần xây dựng phương án nâng cao chất lượng, hạ tầng y tế cơ sở. Các địa phương cần đánh giá tốc độ dịch bệnh thật sự chính xác, kích hoạt tổ Covid-19 cộng đồng và chuẩn bị các khu cách ly để khi có trường hợp F0 không có điều kiện cách ly tại nhà, nhất là tại phòng trọ, thì có thể đưa vào khu cách ly kịp thời. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống dịch; chú trọng đảm bảo công tác phòng dịch khi cách ly F0 tại nhà và các khu nhà trọ.
Lan Mai