(ĐN)- Sáng 1-8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Ban TVTU, lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các địa phương trong tỉnh...
(ĐN)- Sáng 1-8, các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường kết luận hội nghị |
* Khẩn trương nâng cao công suất xét nghiệm
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.770 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 4.426 bệnh nhân đang điều trị, 326 trường hợp khỏi bệnh, 19 trường hợp tử vong, 52 ca nguy kịch. Ngoài các ổ dịch cũ, hiện nay ổ dịch đáng lo nhất là tại các doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ trên địa bàn H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, Trảng Bom. Có những doanh nghiệp có hơn 50% công nhân được xác định nhiễm Covid-19.
Để đáp ứng công tác điều trị, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập khu điều trị hồi sức tích cực với quy mô 500 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Sở Y tế đang khẩn trương phối hợp để thiết lập thêm các bệnh viện dã chiến để nâng quy mô điều trị lên 8 ngàn giường bệnh trong vài ngày tới. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thiếu các trang thiết bị, máy móc, đồ dùng vật dụng, nhân lực phục vụ công tác điều trị.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành đã phân tích những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng chống dịch thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến là công suất xét nghiệm còn hạn chế, dẫn đến trả kết quả xét nghiệm chậm, ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy vết, xử lý. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt trong việc quản lý các doanh nghiệp 3 tại chỗ. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai xử lý các ca F0, F1. Ý thức chấp hành Chỉ thị 16 của người dân chưa nghiêm…
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đề nghị cấp huyện sẽ tiếp nhận cách ly, chăm sóc các trường hợp F0 không có triệu chứng (gồm các trường hợp đã có kết quả xét nghiệm PCR khẳng định và có kết quả test nhanh dương tính, chờ kết quả PCR). Các huyện, thành phố phải lo trang thiết bị, cơ sở vật chất, suất ăn phục vụ cách ly F1, điều trị F0. Nếu địa phương nào thiếu kinh phí thì báo cáo để tỉnh cấp về, ưu tiên nhiệm vụ chống dịch. Những bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân nặng sẽ do cấp tỉnh quản lý, điều trị.
Đối với các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm, đề xuất tiếp tục kiểm tra. Đơn vị nào có ca dương tính thì khẩn trương bóc tách, xử lý sau đó tạm đóng cửa. Đơn vị nào có kết quả toàn bộ người lao động âm tính thì cho tiếp tục sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề xuất phân cấp điều trị trườnghợp F0 |
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế nâng cao công suất xét nghiệm, trả kết quả sớm cho các địa phương để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Các địa phương rà soát lại các trường học trên địa bàn để chuẩn bị làm cơ sở cách ly F1, F0 không có triệu chứng. Riêng Biên Hòa có hơn 1,3 triệu dân, nếu Biên Hòa không đủ chỗ cách ly thì các địa phương lân cận phải hỗ trợ Biên Hòa khi cần thiết.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị với những địa phương nguy cơ cao, đặc biệt là TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch cần tập trung đánh giá lại ngay các điều kiện của các doanh nghiệp 3 tại chỗ. Nếu doanh nghiệp nào đảm bảo các điều kiện thì cho tiếp tục sản xuất, nếu không đáp ứng được các điều kiện thì yêu cầu tạm dừng sản xuất.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19, thống nhất quan điểm của UBND tỉnh là các ca F0 không triệu chứng sẽ thuộc trách nhiệm quản lý, điều trị của cấp huyện. Khẩn trương có giải pháp để mua sắm vật dụng cần thiết để tiếp nhận quản lý các ca F0, F1 không có triệu chứng.
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường thì đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp 3 tại chỗ. Công an tỉnh phải có phương án để đảm bảo an ninh trật tự trong khu công nghiệp, doanh nghiệp.
* Phân tầng điều trị rõ ràng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, thời gian qua, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trên địa bàn nhưng cả hệ thống chính trị đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Bí thư Tỉnh ủy biểu dương các lực lượng đã và đang ngày đêm tham gia chống dịch, bất chấp hiểm nguy, vất vả. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phối hợp giữa các Sở, ngành, đơn vị, địa phương còn chưa đồng bộ, có nơi còn lúng túng trong khâu thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Y tế phải chủ động làm ngay việc cân đối máy móc, thiết bị, tăng cường huy động các nguồn lực để phục vụ công tác chống dịch. Tỉnh hạn chế tối đa mua sắm các phương tiện đắt tiền, đi nước ngoài để phục vụ công tác mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt là bộ test nhanh, máy xét nghiệm PCR để nâng cao năng lực xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu.
Thời điểm này, ngành Y tế phải tập trung vào khâu điều trị, rà soát lại hệ thống máy thở, nguồn oxy, huy động doanh nghiệp tham gia sản xuất oxy để phục vụ công tác điều trị.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh |
Về phân tầng điều trị, tầng 1 gồm các F0 không triệu chứng sẽ do cấp huyện quản lý, chăm sóc, điều trị. Tầng 2 gồm các F0 có triệu chứng, bệnh nặng sẽ do cấp tỉnh quản lý, điều trị.
Về nhân lực y tế, UBND tỉnh nên có Thư ngỏ kêu gọi toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho tỉnh Đồng Nai. Nội bộ tỉnh Đồng Nai cần huy động lực lượng của các cơ sở y tế công lập, công an, quân đội, nhân viên y tế học đường, sinh viên ngành Y… để tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm. Phải tập huấn ngay cho đội ngũ tiêm vaccine để đảm bảo tiêm vaccine nhanh chóng, kịp thời, an toàn,
Thực hiện nghiêm hơn nữa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu cán bộ công chức đi làm phải đeo thẻ công chức để lực lượng công an nhận diện. TP.Biên Hòa và ngành GT-VT bàn bạc để sử dụng xe taxi phục vụ công tác cấp cứu cho người dân. Ngành Công thương và TP.Biên Hòa phối hợp cấp thẻ cho Shipper chuyên giao các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường yêu cầu TP.Biên Hòa và các cơ quan liên quan mời 3 Tổng công ty: Công nghiệp thực phẩm, Tín Nghĩa, Sonadezi để làm việc, phối hợp phân phối, bán hàng lưu động cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng người dân đi siêu thị phải xếp hàng dài, đến lúc vào được siêu thị thì hết đồ để mua; không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, cho mở thêm các quầy bán hàng thiết yếu mà nhà nước quản lý, thực hiện nghiêm 5K để đáp ứng yêu cầu của người dân.
Về các doanh nghiệp 3 tại chỗ, phải rà soát lại tất cả các doanh nghiệp này. Doanh nghiệp nào đảm bảo yêu cầu thì cho tiếp tục sản xuất. Doanh nghiệp nào không đảm bảo thì rà soát kỹ, xử lý theo quy định và đóng cửa doanh nghiệp.
Các địa phương cần chủ động mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến. Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn điều trị cho các trường hợp F0 không triệu chứng bằng đông tây y kết hợp, tuyên truyền cho người dân để phòng ngừa.
Ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp với công ty kinh doanh hạ tầng và địa phương phải có trách nhiệm bố trí khu cách ly tập trung trong khu công nghiệp. Trong đó, công ty kinh doanh hạ tầng phải có trách nhiệm rõ ràng.
Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, F1 khi vào khu cách ly có thể mang theo gối, mền để sử dụng. Trường hợp F1 test nhanh 3 lần âm tính thì Sở Y tế có đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chủ trương cho các ca F1 về nhà, tiếp tục cách ly, theo dõi 14 ngày.
Ngành Công thương khẩn trương có văn bản đề xuất gửi Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chủ trương tăng giá trị suất ăn cho cán bộ, nhân viên làm việc trong các khu cách ly, khu điều trị; mua sắm tài sản phục vụ công tác phòng chống dịch.
Hạnh Dung