(ĐN)- Sáng 29-6, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với ban cán sự Đảng các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố về tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch;...
(ĐN) - Sáng 29-6, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Ban cán sự Đảng, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố về tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tiến độ đầu tư các khu xử lý (KXL) chất thải rắn theo quy hoạch; đầu tư các điểm trung chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay, các chỉ tiêu về thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đều đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đạt dưới 15.
Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 54/CT-TU ngày 24-3-2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại, kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm của UBND tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, như: tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn thấp, một số KXL chưa đảm bảo tỷ lệ chôn lấp 15%, nhiều địa phương thiếu bãi trung chuyển rác tạm và thiếu KXL rác trên địa bàn...
Về tiến độ đầu tư các KXL chất thải và quy hoạch các trạm trung chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh, theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có 9 KXL với 17 dự án, nhưng đến nay có 7 KXL chất thải với 11 dự án đã và đang tiếp nhận, xử lý chất thải; 2 KXL chất thải với 3 dự án hiện tại ngưng tiếp nhận chất thải; 3 dự án tại KXL Vĩnh Tân đang thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài ra, có 4 chủ xử lý ngoài quy hoạch KXL đã được Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 trạm trung chuyển và 32 điểm san tiếp chất thải. Tuy nhiên, chỉ có 9 trạm trung chuyển cơ bản đáp ứng QCVN 01:2019/BXD của Bộ Xây dựng.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành địa phương đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến các khó khăn, vướng mắc quy hoạch bãi, điểm trung chuyển rác tạm; quy trình, thủ tục đấu thầu xúc và xử lý rác phức tạp và chậm ban hành giá xử lý rác hằng năm; chưa có cơ chế quản lý xe thu gom, vận chuyển rác chuyên dùng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nêu ý kiến tại buổi làm việc |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ..., các đơn vị, địa phương phải tập trung và đầu tư cho công tác xử lý chất thải; rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai các KXL chất thải trên địa bàn; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các KXL chất thải chuyển đổi, áp dụng công nghệ phục vụ cho hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải; đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, đảm bảo đến hết năm 2023, các công trình, trạm trung chuyển, hạng mục, nguồn vốn đáp ứng hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tái chế, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.
Đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đề nghị các địa phương quan tâm thực hiện Chị thị 54 của Tỉnh ủy về phân loại chất thải; xem xét lại quy hoạch các KXL chất thải, chất thải ở H.Long Thành, H.Nhơn Trạch phải vận chuyển về H.Thống Nhất để xử lý là chưa hợp lý; Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu tỉnh thí điểm thực hiện quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Hoàng Lộc