Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh

09:03, 18/03/2021

(ĐN) - Chiều 18-3, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

(ĐN) - Chiều 18-3, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong đó, CCHC đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Với mục tiêu và giải pháp thực hiện CCHC đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Cũng theo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.

Trong đó, cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.

Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng... đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, về công tác cải cách tài chính công, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cho rằng, có được kết quả đó là nhờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội. Thông qua đó, kết quả CCHC ở nước ta thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”

Thống nhất cao với những kết quả và tác động to lớn mà công tác CCHC mang lại như báo cáo của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân và mọi tổ chức có khát vọng phát triển hướng tới Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nêu.

Trong đó, cần phải đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại cạnh tranh hiệu quả, tập trung ưu tiên hoàn thiện có chất lượng, đồng bộ và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng trong mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Để làm được đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành trung ương,địa phương cần phải tiếp tục khắc phục những tồn tại khó khăn để tiếp tục xây dựng nền hành chính văn minh hiện đại hướng về người dân, tạo môi trường tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ sau hội nghị này, cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước,giai đoạn 2021-2030, trong đó đề xuất cụ thể việc kiện toàn Ban chỉ đạo cải cách hành chính cho phù hợp với bộ máy mới, đặc biệt có kiến nghị của các địa phương, các ngành nêu ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trước khi trình Thủ tướng xem xét ban hành.

“Phải làm quyết liệt, đồng bộ, xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, một trong những việc quan trọng của cải cách hành chính là phải hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật. Đó là làm sao để luật dễ hiểu, dễ vận dụng. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập theo hướng tinh gọn đầu mối khắc phục chồng chéo, dàn trải trùng lắp về chức năng nhiệm vụ, rà soát các đơn vị công lập có đủ điều kiện tự chủ, tự trang trải để giảm biên chế nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn và trách nhiệm, khuyến khích sự năng động sáng tạo, phát huy sự tích cực chủ động của các cấp, cách ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiên cứu triển khai các biện pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước, chắt lọc công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử thành công ở Việt Nam…

Hồ Thảo

Tin xem nhiều