(ĐN) - Sáng 26-9, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1820- 2020), Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Nguyễn Du, thân thế và sự nghiệp một thiên tài văn học".
(ĐN) - Sáng 26-9, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1820- 2020), Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Nguyễn Du, thân thế và sự nghiệp một thiên tài văn học”.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên |
Các đại biểu và gần 100 học sinh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) cùng nhau dâng hương tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du; ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Du đối với đất nước. Ngoài giao lưu, các học sinh còn tham gia trả lời câu hỏi đố vui có thưởng về tìm hiểu sáng tác của Nguyễn Du…
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên. Ông sinh ngày 23-11-1765, quê ở làng Tiên Điền, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan. Năm 18 tuổi, Nguyễn Du đi thi hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường. Năm 1802, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (nay là tỉnh Hưng Yên), rồi Tri phủ Thường Tín.
Năm 1820, Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi, thì ông bị bệnh dịch tả mất ngày mồng 10-8 âm lịch năm Canh Thìn, hưởng thọ 54 tuổi. Ông đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, được người đời sau đánh giá cao, như: Thanh hiên thi tập (78 bài); Bắc hành tạp lục (131 bài); Nam trung tạp ngâm (40 bài)… và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều.
Tin và ảnh: My Ny