(ĐN) - Để bảo tồn voi, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, năm 2017, Đồng Nai đã xây dựng hàng rào điện tử dài hàng chục km. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hằng năm, tần suất voi ra khỏi rừng, xuất hiện tại khu dân cư, phá hoại cây ăn trái của người dân vẫn không giảm.
(ĐN) - Để bảo tồn voi, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, năm 2017, Đồng Nai đã xây dựng hàng rào điện tử dài hàng chục km. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hằng năm, tần suất voi ra khỏi rừng, xuất hiện tại khu dân cư, phá hoại cây ăn trái của người dân vẫn không giảm.
Theo người dân tại nhiều ấp thuộc xã Thanh Sơn (H.Định Quán) từ tháng 6-2020 đến nay, một đàn voi rừng từ 7-8 con thường xuyên xuất hiện tại nương rẫy của người dân. Thời gian voi xuất hiện lúc thì ban ngày, có khi là ban đêm. Sự xuất hiện của những con voi rừng không chỉ làm nhiều loại cây chuẩn bị đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại mà đang khiến người dân địa phương hết sức hoang mang, lo lắng.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, khoảng 1 tháng qua, đàn voi rừng đã xuất hiện hàng chục lần tại rẫy, vườn của người dân xã Thanh Sơn, gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa an toàn hàng trăm người dân. Hiện ngành chức năng Đồng Nai đã thành lập Đội phản ứng nhanh xua đuổi voi rừng tại xã Thanh Sơn. Khi voi xuất hiện, Đội sẽ thực hiện các biện pháp để voi trở lại rừng, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Để bảo tồn voi, ngăn chặn xung đột giữa voi và người, năm 2017, Đồng Nai chi 85 tỷ đồng xây hàng rào điện tử dài 50km tại các xã Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Hiện voi rừng thường xuất hiện tại khu vực chưa có hàng rào điện tử. Để ngăn voi, tỉnh đã phê duyệt kinh phí, tiếp tục xây dựng thêm 25km hàng rào điện tử ở khu vực xã Thanh Sơn. Dự kiến, giữa năm 2021, hàng rào điện tử này sẽ hoàn thành. Được biết, diện tích vùng sinh sống của đàn voi rừng ở Đồng Nai là trên 42 ngàn ha. Trong đó, khoảng trống để voi đi ra khỏi rừng có chiều dài khoảng 400km, để ngăn triệt để voi ra khỏi rừng thì cần xây dựng toàn bộ hàng rào điện tại 400km này.
Ông Lê Việt Dũng cho rằng, chỗ nào không có hàng rào điện thì voi sẽ đi ra. Tuy nhiên, những khu vực tiếp giáp còn lại người dân thường trồng cao su, voi sẽ không ra vì không có thức ăn. Hàng rào điện chỉ có thể làm ở những vị trí ưu tiên, nơi có đông người dân sinh sống.
Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi ngày voi rừng có thể di chuyển hàng chục km, hướng đi của voi rừng không thể đoán định trước. Để bảo tồn voi, ngăn xung đột giữa voi và người, các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, giúp voi có vùng sinh sống ổn định với đầy đủ thức ăn.
TTXVN