(ĐN) - Sáng 3-1, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc báo cáo viên Trung ương tháng 1- 2020 để quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9- 2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
(ĐN) - Sáng 3-1, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 1- 2020 để quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9- 2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội đến các điểm cầu trên toàn quốc.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. |
Tại điểm cầu Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương quán triệt Nghị quyết 52-NQ/TW.
Trong Nghị quyết 52-NQ/TW đã nêu: cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp.
Trong thời gian tới, nước ta cần chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, phải nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên…Bên cạnh đó, có các chính sách hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Buổi sáng cùng ngày, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trên toàn quốc.
Tin, ảnh: Phương Hằng