(ĐN)-Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại trên cả nước đã tham dự hội thảo: "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH" do Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 17-12 tại TP. Hồ Chí Minh.
(ĐN)- Ngày 17-12, hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu-BĐKH” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) và TE - FOOD International tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại… sản xuất, thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia hội thảo |
Nông nghiệp hiện đang góp từ 19%-29% phát thải khí nhà kính GHG tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, tác động của BĐKH đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7 – 2,4% GDP của Việt Nam vào năm 2050; tổng năng suất nông nghiệp có thể giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó với BĐKH và dự báo sẽ có khoảng gần 11 ngàn km2 đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ bị ngập.
Hội thảo chỉ ra thực trạng của nền sản xuất nông nghiệp, những thay đổi, yêu cầu mới cũng như những khó khăn, vướng mắc về thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực đang được tập trung phát triển hiện nay như: lúa, tiêu, tôm, cây ăn trái…Qua đó, giới thiệu đến doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sự cần thiết và cơ hội ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH. Những thách thức và giải pháp phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chính sách cần có để thúc đẩy hợp tác và hình thành chuỗi cung ứng nông sản bền vững...
Lễ ký kết hợp tác giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng nông sản bền vững |
Tại hội thảo, Chương trình phát triển Liên hợp quốc cũng đã giới thiệu việc triển khai dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết khí hậu thông qua việc huy động, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, hỗ trợ và thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp.
Theo góp ý của nhiều đại biểu, dự án hỗ trợ nên quan tâm đầu tư vào khâu yếu nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là sơ chế, bảo quản; nên chọn 1 số tỉnh thành tiêu biểu để đầu tư thí điểm, từ đó xây dựng được những mô hình chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững để thuyết phục ngày càng đông nông dân, doanh nghiệp tham gia.
Tin, ảnh: Bình Nguyên