(ĐN) - Sáng 16-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế đến 63 điểm cầu trong cả nước...
(ĐN) - Sáng 16-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế đến 63 điểm cầu trong cả nước. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ sở y tế liên quan trong tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. |
Hiện nay Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường nhiều nhất trên thế giới: mỗi năm thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Chất thải nhựa đang trở thành vấn đề nhức nhối, hiểm họa chưa từng có và cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng để giải quyết...
Riêng trong lĩnh vực y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại mỗi năm là 21,3 ngàn tấn. Ngoài ra, còn có hơn 116 ngàn tấn chất thải sinh hoạt khác phát sinh tại các cơ sở y tế. Chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, như: từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như: bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc.
Nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị. Cụ thể là tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo..., tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế để đảm bảo an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường...
Hạnh Dung