(ĐN)- Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), sáng nay 21-2, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Báo Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế tổ chức tọa đàm với chủ đề "Y tế thông minh phục vụ người dân".
(ĐN)- Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2019), sáng nay 21-2, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Báo Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế tổ chức tọa đàm với chủ đề “Y tế thông minh phục vụ người dân”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Đến dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Thị Kim Chung, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng đại diện các Sở, ban, ngành, lãnh đạo và cán bộ các cơ sở y tế trong tỉnh...
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Tôn Hoàn nhấn mạnh, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra, tác động đến nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập. Ngành y tế có thiên chức cao quý là cứu chữa người bệnh. Ngoài trí tuệ, tài năng, đạo đức của người thầy thuốc, những thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển vũ bão, như chắp thêm “đôi cánh thiên thần” cho ngành y trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phục vụ người bệnh.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Tôn Hoàn phát biểu tại buổi tọa đàm |
Thời gian qua, ngành y tế Đồng Nai đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh, quản lý y tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ y, bác sĩ toàn ngành y tế. Từ tháng 7-2018, Sở Y tế phối hợp với Vietel Đồng Nai và Công ty cổ phần David Health Việt Nam liên tục triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc; quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, mạng y tế cộng đồng Medcomm.
Theo đó, hiện đã có 306/395 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng phần mềm kết nối nhà thuốc; lập được hơn 3 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trong tỉnh. Ngành y tế cũng đang triển khai mạng y tế cộng đồng Medcomm để tra cứu các dịch vụ y tế nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4,2 ngàn cơ sở dược phẩm và gần 1,7 ngàn cơ sở khám chữa bệnh tham gia mạng y tế này.
Hiện nay, yêu cầu của người dân khi đến các cơ sở y tế ngày nay không chỉ là được chăm sóc chu đáo, tận tình, chẩn đoán, điều trị chính xác mà các thủ tục, dịch vụ đi kèm cũng phải nhanh gọn, linh hoạt, tiện ích.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao đổi với các đại biểu bên lề buổi tọa đàm |
Chủ đề của buổi tọa đàm ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay và mở đầu cho năm mới 2019 trong chương trình phối hợp giữa ngành y tế Đồng Nai với các cơ quan báo chí của tỉnh. Nội dung tọa đàm cũng là quan điểm của lãnh đạo Sở Y tế nhằm thúc đẩy hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần vào những thành tựu của ngành y tế Đồng Nai trong thời gian tới.
* Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế: “Mục đích cao nhất là sức khỏe của người dân”
Mở đầu buổi tọa đàm, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Đồng Nai là địa phương sớm đi đầu trong xã hội hóa thiết bị y tế từ thập niên 90 và những năm 2000.
Tiếp đó, ngành đã tiếp tục đẩy mạnh thay đổi tinh thần thái độ phục vụ trong bệnh viện nhằm tạo sự hài lòng cao nhất cho người dân. Đồng Nai còn có khoa dịch vụ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Không dừng lại ở đó, Đồng Nai còn là địa phương đi đầu trong huy động tư nhân tham gia vào phát triển dịch vụ y tế với loại hình bệnh viện tư nhân hiện đại ra đời, như: Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, Bệnh viện đại học y dược Singmark, từ đó người dân được phục vụ tốt hơn.
Đồng Nai còn hướng đến năm 2020 bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đi tắt đón đầu trong chăm sóc sức khỏe người dân bằng việc sớm bắt tay xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đó là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân. Đến nay đã khởi tạo hồ sơ của 3 triệu người dân và sẽ kết nối hồ sơ này với các bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Huy Anh |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác rất lớn của các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Sở Y tế đã chọn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Long Khánh để xây dựng thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, vì đây là những bệnh viện lớn, có hạ tâng công nghệ thông tin hiện đại, có lượng bệnh nhân đông. Khi hoàn thành triển khai thí điểm tại các bệnh viện này có thể hoàn toàn triển khai các bệnh viện còn lại của tỉnh.
Lộ trình trong thời gian tới sẽ là cuộc chạy đua để Đồng Nai có thể là tỉnh đầu tiên hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân. Khi hoàn thiện được các điều kiện cần thiết sẽ hoàn toàn triển khai được một nền y tế thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giảm tải cho nhân lực y tế, nhất là làm hồ sơ bệnh án. Nhưng mục đích của chúng ta đi đến là sức khỏe cá nhân của người dân, lúc nào cũng có thể truy cập qua thời gian.
Bác sĩ Phan Huy Anh vũ cho rằng, bước đi nhằm xây dựng nền y tế thông minh của Đồng Nai còn rất gập ghềnh, nhưng có bước đi sẽ có đích đến. Minh chứng cho điều này, Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ chia sẻ: năm 2008, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện triển khai điều trị ung bướu, thời điểm này có nhiều ý kiến lo ngại “làm không nổi”, tuy nhiên với quyết tâm cao, đến nay Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã hoàn thiện hiện đại điều trị ung bướu với trang thiết bị hiện đại, có khả năng điêu ttrijcho 300 bệnh nhân trong cùng thời điểm.
* KS.Vưu Tấn Tiền, chuyên viên công nghệ thông tin Văn phòng Sở Y tế: "Hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh".
Theo KS. Vưu Tấn Tiền, ứng dụng và phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, ứng dụng và phát triển y tế thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử. Tất cả nhằm hướng đến thực hiện 3 nhiệm vụ chính là: chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
KS.Vưu Tấn Tiền, chuyên viên công nghệ thông tin Văn phòng Sở Y tế trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được Sở Y tế ứng dụng từ lâu. Trước tiên là Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành y tế tỉnh Đồng Nai” giai đoạn 2006-2010 và 2016-2018. Nội dung nhằm quản lý các bệnh viện, các phòng khám đa khoa khu vực, quản lý khám chữa bệnh tại các trạm y tế và điều hành quản lý ngành.
Từ tháng 7-2018 đến nay, ngành Y tế đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Cụ thể, đã kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mạng y tế cộng đồng Medcomm và ứng dụng quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, trong quý I-2019, ngành y tế triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Trước mắt, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ triển khai tại một số khoa như: cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng, nội thần kinh và ngoại tổng quát. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh sẽ triển khai 13 loại hồ sơ bệnh án và 16 khoa phòng của toàn bệnh viện.
Nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của toàn ngành, Sở y tế đang sử dụng các phần mềm gồm I- Office, V- Office, Cổng Thông tin điện tử và chữ ký số.
So với mô hình tổng quan hệ thống quản lý y tế thông minh, các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang triển khai tại ngành Y tế Đồng Nai tuy chỉ mới đạt được những mặt cơ bản, nhưng đã thể hiện được sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn trong phạm vi toàn tỉnh.
* Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: Bệnh án điện tử nhiều tiện lợi
Ứng dụng bệnh án điện tử có nhiều thuận lợi, bệnh án rõ ràng, chính xác, hạn chế chữ viết quá khó đọc, tiết kiện thời gian, tránh thất lạc hồ sơ, truy cập dễ dàng, dễ dàng kết nối với hệ thống bệnh viện, và có thể tiếp tục cập nhật hồ sơ bệnh nhân khi muốn. Bác sĩ chỉ cần mở máy tính là biết được toàn bộ quá trình lịch sử và có thể lưu trữ không giới hạn, lưu trữ lâu dài.
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trình bày tham luận tại tọa đàm |
Bác sĩ không cần mất thời gian di chuyển liên hệ, có thể truy cập mọi lúc mọi nơi. Điều nay giúp ích rất lớn cho quá trình quản lý bệnh viện, quản lý bệnh nhân, hạn chế sai và tiêu cực trong bệnh viện.
Thanh toán trực tuyến bằng thẻ bệnh nhân. Thẻ tích hợp thông tin bệnh nhân, tích hợp thanh toán, hạn chế dùng tiền mặt, rút ngắn thời gian.
Tuy nhiên để thực hiện tốt điều này cần có hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, xây dựng nguồn nhân lực y tế giỏi công nghệ thông tin để có thể ứng dụng bệnh án điện tử.
* Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên: “Lấy người bệnh làm trung tâm”
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hiện có 900 giường bệnh với tổng số 678 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, 24 khoa phòng. Điều trị nội trú cho 700-800 bệnh nhân/ngày, tiếp nhận và khám bệnh ngoại trú cho từ 1,4 ngàn – 1,6 ngàn bệnh nhân/ngày.
Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, từ tháng 4-2018, bệnh viện đã mở 4 phòng khám chuyên gia với sự tham gia khám, chữa bệnh của các bác sĩ đầu ngành ở TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể gồm: Phòng khám mạch máu – tim mạch do PGS-TS-BS.Trần Minh Hoàng phụ trách; Phòng khám cột sống – cơ xương khớp do TS-BS.Nguyễn Thế Luyến phụ trách; Phòng khám nội tim mạch do PGS-TS-BS.Nguyễn Văn Trí phụ trách; Phòng khám viêm gan – ký sinh trùng do BS CKI Nguyễn Thị Đố phụ trách.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Từ khi có các chuyên gia về TX.Long Khánh khám chữa bệnh, người dân địa phương có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế cao, không phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí, phiền hà cho bệnh nhân khi phải lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh.
Sự có mặt của đội ngũ chuyên gia đầu ngành cũng góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bệnh viện. Từ đó, triển khai được nhiều kỹ thuật cao như: kỹ thuật điều trị laser, kỹ thuật nội soi khớp gối.
Để người dân hài lòng, bệnh viện đã thành lập tổ tiếp sức người bệnh nhằm hướng dẫn, vận chuyển người bệnh cấp cứu, người già, người tàn tật, người bệnh gặp khó khăn trong đi lại hoặc không có người nhà đến các khoa phòng cần thiết.
Với mục tiêu đến năm 2021 sẽ hình thành bệnh viện thông minh, trong năm 2019, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh sẽ cải tiến quy trình, thủ tục khám bệnh để rút ngắn thời gian chờ khám bệnh và cận lâm sàng; nâng cao hiệu quả điều trị nội trú, tăng cường điều trị ngoại trú. Duy trì và phát huy phong cách, thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên y tế trong toàn bệnh viện, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh và thân nhân người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Đồng thời, củng cố và phát triển công tác điều trị và chăm sóc người bệnh, tăng cường các hoạt động chăm sóc khách hàng cả ngoại trú và nội trú, xây dựng thêm các gói dịch vụ y tế mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
* Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai: “Cải thiện mang lại ý nghĩa lớn cho bệnh nhân”
Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã được xếp vị trí thứ 3 tại tỉnh Đồng Nai về chất lượng bệnh viện, nhưng còn vị trí thấp trong hệ thống các bệnh viện của Tập đoàn.
Bác sĩ Trương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Thời gian tới, bênh viện sẽ triển khai nhiều dự án, trả kết quả xét nghiệm tập trung, khâu cấp phát thuốc, đăng ký tiếp nhận và thu ngân, cải thiện chất lượng, cảnh báo bất thường ở bệnh nhân. Những cải thiện trên sẽ giảm 30 phút so với trước. Thời gian này tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn với bệnh nhân.
Từ những cải tiến nói trên, bệnh viện có thể hoà nhập kết nối với việc triển khai dự án bệnh viện thông minh của Đồng Nai.
* Ông Bảo Phi, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm y tế TX.Long Khánh: “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh và các chương trình, mục tiêu về y tế”.
Thời gian qua, 15 trạm y tế xã, phường của TX.Long Khánh đã chuẩn bị, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý tiêm chủng mở rộng và các chương trình, mục tiêu về y tế.
Ông Bảo Phi, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm y tế TX.Long Khánh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Từ tháng 10-2018, Trung tâm y tế TX.Long Khánh đã triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn. Các trạm y tế đã nhập các dữ liệu vào hệ thống lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho các đối tượng đã thực hiện khám chữa bệnh tại các trạm y tế. Đồng thời, làm công tác tư vấn, vận động thân nhân của những người này đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tính đến cuối tháng 1-2019, các trạm y tế trên địa bàn TX.Long Khánh đã khám và lập được hơn 7,7 ngàn hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trong tỉnh. Trong đó, có hơn 21,4 ngàn hồ sơ đã được cập nhật thông tin.
* Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: “Xây dựng y tế thông minh vì người dân”
Năm 2010, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất ứng dụng xây dựng y tế thông minh. Thời gian đầu việc ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều khó khăn do không rành. Nhưng đến nay bệnh viện đã ứng dụng các khâu đăng ký, khám, cấp phát thuốc, ngoài ra còn còn các khâu quản lý nhân sự, hồ sơ…
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Huy Anh |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin có những rủi ro nhất định. Ví dụ, nếu sập mạng thì mọi hoạt động của bệnh viện ngừng trệ. Tuy nhiên, 9 năm qua ở bệnh viện chưa xảy ra tình trạng này và bệnh viện luôn có phương án dự phòng cho những sự cố có thể xảy ra. Dù không được Sở Y tế chọn thí điểm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, nhưng bệnh viện vẫn quyết tâm làm.
Khó khăn khi làm là phải nâng cấp hệ thông DATA để có thể chứa ngày càng nhiều thông tin, đảm bảo an toàn lưu trữ lâu dài. Khi làm phải có những APP, đăng ký chữ ký điện tử, phải có những kết nối với nhau khi truyền về Sở Y tế một cách đồng bộ. Tiến đến y tế thông minh là phải mang lại lợi ích cho bệnh nhân, tạo ra sự an toàn và tin tưởng cho bệnh nhân. Có rất nhiều con đường đi tới y tế thông minh nhưng phải tính đến con đường an toàn nhất, ngắn nhất, mang lại nhiều hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Công nghệ thông tin chỉ là công cụ phục vụ, nhưng con người vẫn là quan trọng để đảm bảo chất lượng.
Các nước trên thế giới làm được việc quản lý sức khỏe của hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân từ khi sinh ra tới khi qua đời, thế thì tại sao mình không làm được? Chính vì tinh thần sức khỏe nhân dân nên chúng ta càng phải làm và quyết tâm xây dựng được bệnh viện thông minh để chăm sóc tốt bệnh nhân.
* Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành: “Quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân”
Là đơn vị dự phòng, thời gian qua, Trung tâm y tế huyện Long Thành đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân và quản lý y tế, kể cả phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý kịp thời thông qua website của đơn vị, mạng xã hội Facebook...
Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm |
Đặc biệt, từ tháng 1-2019, Trung tâm đã triển khai Văn phòng điện tử; đưa vào sử dụng hóa đơn điện tử đã tạo thuận tiện cho bệnh nhân. Thông qua Văn phòng điện tử, các hồ sơ, giấy tờ liên quan đều được thực hiện thuận lợi… Trong đó, có phần mềm kết nối để lãnh thuốc, đặc biệt là với những bệnh nhân bị HIV điều trị ARV. Nếu quá thời gian lãnh thuốc mà bệnh nhân không đến lãnh, phần mềm sẽ nhắn tin vào điện thoại của bệnh nhân nhắc bệnh nhân đến lãnh thuốc và sử dụng.
Hướng tới y tế thông minh còn có những rào cản về hạ tầng, thủ tục…, nhưng huyện Long Thành quyết tâm thực hiện. Trước hết, sẽ tổ chức giám sát từ xa; tập trung chuẩn bị triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân; kết nối các phần mềm về tiêm chủng, tai nạn thương tích…, nhằm đem lại thuận lợi cho bệnh nhân cũng như nâng cao chất lượng quản lý y tế tại đơn vị.
***
Tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm, nhà báo Xuân Lượng, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai là địa phương có dân số đông, đặc biệt dân nhập cư nhiều là rào cản khá lớn cho công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả rất tích cực. Để thông tin trên lĩnh vực y tế thông suốt hơn, chúng tôi rất mong trong thời gian tới, ngành y tế Đồng Nai sẽ có những phối hợp nhanh chóng hơn nữa với các cơ quan báo chí để thông tin về ngành y tế Đồng Nai đến gần hơn và nhanh hơn với công chúng.
Nhà báo Xuân Lượng đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm |
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, thời gian qua ngành y tế đã thành lập các Group trên mạng xã hội với sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế để trao đổi các thông tin liên quan đến ngành y tế trong tỉnh.
Qua ý kiến của nhà báo Xuân Lượng, chúng tôi sẽ thành lập một Group gồm các nhà báo, phóng viên thường trú trên địa bàn và các phóng viên phụ trách lĩnh vực y tế của các cơ quan báo chí trong tỉnh nhằm trao đổi những thông tin liên quan đến ngành y tế một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Những thông tin trên mặt báo cũng là tấm gương phản chiếu để đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trong tỉnh soi rọi lại mình để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế đã đạt được. Trong đó, có việc xây dựng hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử nhằm quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân; xây dựng bệnh án điện tử nhằm hướng tới xóa bỏ sổ khám bệnh, bệnh án giấy tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân khi không phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc lên các bệnh viện tuyến trên.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn thời gian tới, ngành y tế Đồng Nai sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ khám chữa bệnh thông minh bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là những ca bệnh khó, phức tạp, thường phải chuyển tuyến lên TP. Hồ Chí Minh hay các bệnh viện Trung ương. Chỉ khi chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, khi ấy người dân mới an tâm và tin tưởng vào ngành y tế tỉnh nhà.
Lãnh đạo tỉnh luôn xác định y tế là một lĩnh vực có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển. Vì vậy, tỉnh đề nghị ngành y tế trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để mục tiêu xây dựng nền y tế thông minh sớm trở thành hiện thực, một cách toàn diện và hiệu quả, đặt lợi ích của người dân là trọng tâm. Quá trình thực hiện mục tiêu này sẽ luôn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh.
Để xây dựng được nền y tế thông minh không chỉ đòi hỏi quyết tâm lớn của ngành y tế, nhất là trong việc làm sao và làm như thế nào để vượt qua những khó khăn về nhân lực, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, mà ngành cần tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia, ủng hộ những thay đổi khi thực hiện các nội dung liên quan đến y tế thông minh.
Về phía Báo Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh hoan nghênh việc báo đã thường xuyên tổ chức được các chương trình tọa đàm với ngành y tế nhằm cung cấp đến người dân những vấn đề trọng tâm trên lĩnh vực y tế mà tỉnh đang thực hiện. Tọa đàm về Y tế thông minh phục vụ người dân có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có những tác động lớn đến đời sống xã hội. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Báo Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong công tác thông tin tuyên truyền để góp phần đưa những chủ trương, chính sách mới đến được với đông đảo người dân.
Nhóm PV