Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 18/11, Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều chất vấn của đại biểu xoay quanh các vấn đề tinh giản biên chế; cải cách công chức, công vụ; xử lý các tiêu cực trong thi tuyển công chức; việc bổ nhiệm cấp phó, chế độ "hàm" chức danh quản lý lãnh đạo; công tác cử tuyển cán bộ là người dân tộc…, trong đó có những nội dung đã được đại biểu chất vấn tại các kỳ họp trước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN) |
Lạm phát cấp phó gây lãng phí cho ngân sách
Quan tâm đến vấn đề bổ nhiệm cấp phó quá nhiều, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương khiến cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí và không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định tình trạng lạm phát cấp phó này có liên quan đến hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu và đặt câu hỏi Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, số lượng Thứ trưởng của mỗi Bộ là 4 nhưng quy định này không phải là “cứng” mà có tính chất cơ động, mềm dẻo. Bộ Nội vụ đã nhiều lần kiến nghị với Ban cán sự Đảng Chính phủ, với Chính phủ nên có quy định số lượng cứng nhưng kiến nghị này khi được đưa ra thảo luận, bỏ phiếu đều không quá bán do Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các Bộ đề nghị số lượng nhiều, không gặp nhau về quan điểm nên không thống nhất được.
Bộ trưởng cho biết hướng tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ quy định số lượng cứng để tạo sự thống nhất, không để tình trạng này kéo dài.
Bộ đang hoàn thiện để sửa Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Báo cáo sơ bộ của Trưởng ngành Nội vụ trước Quốc hội cho thấy các chức danh cấp phó còn lại đều được quy định cứng nhưng trong thực tế đều vượt khung.
Ở cấp Bộ, số lượng Thứ trưởng là 4 nhưng hiện đang ở mức bình quân là 5,4. Các cấp tổng cục, vụ, sở đều có quy định số lượng cấp phó là 3 nhưng bình quân hiện là 3,69 với cấp tổng cục, 3,04 với cấp vụ và cấp sở là 3,06.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có một số cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do hậu quả của việc bổ nhiệm bởi một lý do nào đó. Việc bổ nhiệm nhiều cấp phó đã gây lãng phí cho ngân sách, không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ và toàn xã hội.
Nhận định về nguyên nhân lạm phát cấp phó, Bộ trưởng cho rằng đó là do sức ép của công việc lãnh đạo điều hành của một số cơ quan, lĩnh vực.
Nền hành chính của Việt Nam họp hành nhiều, nhiều cuộc nếu không phân công cấp phó đi là không được tham dự.
Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức thiếu tính tính gương mẫu, tập thể cấp ủy, lãnh đạo thiếu sức chiến đấu.
Ông cho biết Bộ Nội vụ đã làm gương trong việc giảm cấp phó, từ chỗ có 7 Thứ trưởng, đến nay, Bộ này chỉ còn 4 Thứ trưởng nhưng sự làm gương này chưa được lan tỏa.
Ông cũng cho biết, trong các lĩnh vực quản lý của Chính phủ, lĩnh vực tổ chức và cán bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất.
Thủ tướng chỉ quản lý diện Thứ trưởng, các chức danh khác được phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh.
Do đó, Bộ Nội vụ chỉ có quyền kiến nghị, đề nghị nếu phát hiện sai sót. Nếu kiến nghị đó không được thực hiện, Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý giải quyết.
Bộ trưởng khẳng định sắp tới sẽ phải có giải pháp mạnh, tổng thể về số lượng cấp phó, quy định cứng số lượng để thực hiện thống nhất, nơi nào vượt phải tự điều chỉnh trong nội bộ.
Cũng liên quan đến nội dung trên, việc thêm chế độ “hàm” chức danh quản lý trong những năm gần đây đã khiến cho không ít đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chất vấn trong hệ thống chức danh cán bộ những năm gần đây xuất hiện thêm chức danh hàm, vậy tiêu chuẩn, vai trò, chức năng của chức vụ này trong bộ máy hành chính và liệu tới đây có thêm chức danh hàm giám đốc hay hàm trưởng phòng?
Trả lời vấn đề này, người đứng đầu ngành Nội vụ khẳng định trong các văn bản quy định về bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước không có quy định về hàm nhưng thực tế tại nhiều Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã cho vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo quản lý với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 Bộ, cơ quang ngang Bộ và 7 cơ quan thuộc Chính phủ, hiện có 339 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ hàm Vụ trưởng là 96, hàm Phó Vụ trưởng là 150, hàm Trưởng phòng là 76, hàm Phó phòng là 17.
Việc quy định vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh lãnh đạo quản lý do các Bộ, ngành quyết định đối với từng nhân sự cụ thể trong quá trình bố trí cán bộ. Tuy nhiên, có một số Bộ, ngành ban hành cả quy chế bổ nhiệm hàm. Để giải quyết thực trạng này, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu về mặt lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đó sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá thực chất về chức danh hàm để có những định hướng cụ thể.
Khắc phục tình trạng công chức kém tài và vô cảm
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Lê Thị Tám (Nghệ An), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng nêu nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ xoay quanh vấn đề tuyển dụng, đánh giá cán bộ công chức, viên chức.
Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những câu hỏi về những tiêu cực trong tuyển dụng công chức ngày càng nhiều, tại sao người có năng lực lại rời bỏ cơ quan nhà nước, công tác đánh giá cán bộ công chức hiện nay ra sao…
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng hiện nay có tình trạng người có năng lực không vào cơ quan nhà nước, hoặc vào rồi đi ra càng nhiều.
Số công chức tận tâm và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, số công chức lười nhác chỉ một dạ, hai vâng, ham muốn thành đạt ngày càng nhiều. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và tham nhũng, đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có tình trạng trên và nguyên nhân là do việc sử dụng cán bộ công chức chưa đúng phẩm chất, trình độ năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm.
Trong khi đó, chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ chậm được cải thiện; việc tuyển dụng đầu vào có trường hợp chưa thực sự đáp ứng được nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, hiện Bộ Nội vụ và các Bộ ngành địa phương đã và đang thực hiện một số giải pháp như đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp trên trực tiếp quản lý đánh giá người đứng đầu cấp dưới, sử dụng trọng dụng người có tài năng phẩm chất làm được việc.
Bộ Nội vụ đã được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.
“Bộ Chính trị đã có kết luận thông qua đề án và Bộ Nội vụ đang xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai để từ nay đến 2020 đảm bảo tuyển được khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp. Đây cũng là đột phá trong công tác thu hút, trọng dụng nhân tài” - Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đang thực hiện Nghị định trọng dụng người tài trong hoạt động công vụ. Nghị định đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước câu hỏi của đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) về vấn đề đánh giá lại bộ máy biên chế công chức, viên chức trong năm 2014, Bộ trưởng cho biết việc đánh giá xếp loại đã được quy định rất cụ thể, đầy đủ.
Qua bức xúc của dư luận xã hội, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã gửi hai công văn đến các Bộ, ngành, địa phương thể hiện sự không đồng tình về số liệu công bố tỷ lệ cán bộ công chức viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Bộ đã đề nghị các Bộ ngành địa phương cần nghiêm túc trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng đã công bố kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2013.
Theo đó, đối với cán bộ công chức, hoàn thành xuất sắc đạt 34,33%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 58, 08%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế trình độ năng lực 4,94%; không hoàn thành 0,46%. Đối với viên chức: số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%; hoàn thành nhiệm vụ 8,06%; không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%. Có 23 bộ ngành địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.
7 bộ ngành địa phương đánh giá không có viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Khối các cơ quan Bộ, ngành Trung ương có 2 đơn vị có tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ cao. Khối địa phương có 4 đơn vị có tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng cán bộ trong từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều, việc bố trí phân công công tác chưa cụ thể, rõ ràng.
Các cơ quan tổ chức đơn vị sử dụng chưa thường xuyên theo dõi kiểm tra giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức để kịp thời chấn chính, từ đó có cơ sở đánh giá phân loại chính xác mức độ kết quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của công chức viên chức.
Bên cạnh đó, tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ chưa cao, còn tồn tại tư tưởng dĩ hòa vi quý, nể nang trong công tác đánh giá, sợ đụng chạm. Người tự đánh giá không trung thực, thiếu nghiêm túc trong việc tự nhận xét đánh giá, thường xuyên có tâm lý không thừa nhận bản thân mình yếu kém.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ công chức viên chức chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền trách nhiệm trong công tác đánh giá, phân loại hàng năm. Bộ trưởng cho biết, ngay trong Bộ Nội vụ cũng có đơn vị phải thực hiện đánh giá công chức tới 5 lần mới chỉ ra được người không hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức về công tác chính trị tư tưởng của đội ngũ công chức viên chức, trong đó chú trọng các giải pháp làm gương của người đứng đầu và nêu gương người tốt, việc tốt để mọi người noi theo.
Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức phải được đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và dưới sự điều hành của chính quyền. Cụ thể, ở Bộ, ngành phải đảm bảo dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo, người đứng đầu.
Cá nhân Bộ trưởng nhận thấy chưa đơn vị nào quan tâm đúng mức tới vấn đề này, thông thường là khoán trắng cho các cơ quan tổ chức cán bộ của các đơn vị, địa phương. Cần hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý công chức viên chức, hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức viên chức lãnh đạo quản lý.
Đặc biệt các bộ ngành cần khẩn trương xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý, định ra biên chế cho phù hợp, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ Nội vụ cũng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, cùng với việc công bố bộ chỉ số cải cách hành chính hàng năm, sẽ công bố tỷ lệ cán bộ xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm để người dân theo dõi, đánh giá, các cơ quan dân cử giám sát.
Xung quanh hiện tượng dư luận cho rằng có sự vô cảm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức trong thực thi công vụ được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định có hiện tượng này và đề nghị vấn đề trên cần được đặt trong phạm trù đạo đức.
Theo Bộ trưởng, cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, đòi hỏi tính nguyên tắc, đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Quy định pháp luật cấm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu phiền hà nhân dân, đó cũng là một biện pháp chống bệnh vô cảm mà dư luận nêu.
Tinh giản biên chế chưa hiệu quả
Trong phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề nghị Tư lệnh ngành Nội vụ giải trình một số vấn đề về quy định ưu đãi đối với đối tượng cử tuyển; về vấn đề tinh giản biên chế; vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước…
Về vấn đề tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số còn thấp trong khi có tới 12 nghìn đối tượng cử tuyển tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp không xin được việc làm, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện, tiếp nhận và phân công công tác cho đối tượng cử tuyển chưa đúng quy định.
Có địa phương cử tuyển chưa đúng đối tượng, chưa giao đầu mối chịu trách nhiệm quản lý và giám sát tại các trường về việc học tập của những đối tượng này. Sau khi tốt nghiệp, việc tiếp nhận phân công công tác không đúng như kế hoạch ban đầu nên hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục điều này, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch. Đồng thời xây dựng đề án cán bộ dân tộc thiểu có chất lượng, dự kiến trình Chính phủ vào quý 1/2015. Đề án sẽ có những biện pháp mạnh nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ con em đồng bào dân tộc.
Giải trình về vấn đề tinh giản biên chế thực hiện trong nhiều năm nhưng không những không giảm mà còn tăng, Bộ trưởng cho rằng từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiến hành xây dựng đề án xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó tính cơ cấu của đội ngũ cán bộ công chức viên chức cho phù hợp, nếu làm tốt điều này sẽ xác định được số lượng đội ngũ cán bộ và trình độ năng lực cần phải có để đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi nền công vụ, thay vào đó là những người có đủ trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị địa phương.
Báo cáo trước Quốc hội về thực trạng tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết từ tháng 1/2003 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng/người/tháng lên 1.150.000 đồng/người/tháng, tăng 447,6%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục thống kê công bố 186,6%.
Tuy nhiên đến nay sau 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương hiện hành đã phát sinh một số bất hợp lý. Mức lương cơ sở thực hiện từ 1/7/2013 là 1.150.000 đồng/người/tháng mới đạt 50% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp dẫn đến các mức lương, ngạch, bậc, chức vụ thấp theo.
Tính cả 25% phụ cấp công vụ, mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự là 3,36 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng, đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn khó khăn, hệ thống thang bậc lương còn bình quân, việc đổi mới cơ chế với khu vực đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu đề ra.
Người đứng đầu ngành Nội vụ đã chỉ ra những nguyên nhân khiến cho chưa thực hiện được cải cách tiền lương, đó là do khó bố trí được nguồn. Chính vì mức lương theo ngạch, bậc còn thấp nên các cơ quan đã áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp ngành, phụ cấp nghề nên đã phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.
Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu về việc tăng lương cho các đối tượng về hưu trước năm 1995 và những người có mức lương dưới 2,34.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định các vị đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.
Ý kiến trả lời của Bộ trưởng thẳng thắn, bày tỏ tinh thần quyết tâm cơ cấu lại, hoàn thiện thêm hệ thống bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, nâng cao chất lượng cán bộ công chức. Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị và đề án, thấy rõ trách nhiệm trong công tác này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị là người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực tổ chức, Bộ trưởng cần tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, rèn cho được cả về đức, về tài, tận tụy phục vụ nhân dân. Bộ cần quan tâm đặc biệt tới việc kiểm tra, đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng, Chính phủ tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, xem xét bố trí cán bộ cấp phó, thực hiện xác định vị trí việc làm để tinh giản biên chế một các đồng bộ phù hợp với tính chất đặc điểm công việc, tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để tránh tiêu cực, chạy chọt./.