Báo Đồng Nai điện tử
En

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập cảnh

08:11, 28/11/2013

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 28-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

*Thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014- 2016.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 28-11, Quốc hội làm việc ở hội trường thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Hồng phát biểu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai)  phát biểu ý kiến

Theo các đại biểu, việc ban hành Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị - pháp lý, mà còn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, việc xây dựng dự án Luật cần phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh.

Cụ thể, đối với thời hạn thị thực, các đại biểu nghị Ban soạn thảo nên tách và quy định riêng về thời hạn cấp thị thực cũng như thời hạn tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời cần quy định thời hạn thị thực dài hơn 12 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nước ta.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích lao động và không nên thay đổi mục đích của việc cấp thị thực sau khi người nước ngoài đã nhập cảnh vào nước ta. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam; đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về điều kiện, thời gian cấp thị thực cũng như thời hạn tạm trú để thống nhất với những điều đã ban hành trong Luật đầu tư.

Ngoài ra, đối với việc khai báo tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm vào là các khánh sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú khi có người nước ngoài cư trú thì bắt buộc phải “nối mạng” thông tin với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở tỉnh/thành phố.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016

Xung quanh vấn đề quá cảnh, các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, người nước ngoài vào Việt Nam không chỉ thông qua đường hàng không mà còn bằng cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo không nên chỉ quy định điều kiện miễn thị thực cho khách nước ngoài quá cảnh qua sân bay quốc tế của Việt Nam.

[links(left)]Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, với 83,94% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016.

Như vậy, tổng mức phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 là 170.000 tỷ đồng để đầu tư bốn nhóm dự án, công trình: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 61.680 tỷ đồng; các dự án dở dang đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 sau khi đã rà soát nhưng còn thiếu vốn là 73.320 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỷ đồng; Vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA là 20.000 tỷ đồng.

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 29-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật phá sản (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật đất đai (sửa đổi).

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều