(ĐN)- Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa thực hiện thành công 2 ca đặt máy tạo nhịp tim cho 2 bệnh nhân có nhịp tim chậm, giúp điều hòa nhịp tim trở về mức cơ bản.
Các bác sĩ thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.P |
Trường hợp thứ nhất là bà N.T.H., 83 tuổi, ngụ xã An Phước (huyện Long Thành). Hơn một năm qua, bà H. liên tục bị ngất xỉu, chóng mặt, hoa mắt; cơn ngất thường diễn ra trong vài phút. Mới đây, bà H. lại tiếp tục bị ngất xỉu, cơn ngất kéo dài, gia đình sợ bà bị đột quỵ nên đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Qua kiểm tra, bác sĩ xác định bà H. bị rối loạn nhịp tim chậm, chỉ 40 lần/phút (nhịp tim của người bình thường dao động từ 60-100 lần/phút). Để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định đặt máy tạo nhịp tim cho người bệnh.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bà N.T.H. trước khi bệnh nhân được xuất viện về nhà. Ảnh: H.Dung |
Trường hợp thứ 2 là bà T.T.H., 62 tuổi, ngụ xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Bà T.H. tình cờ phát hiện bị rối loạn nhịp tim chậm khi đi kiểm tra tim mạch để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật u đại tràng. Trước đó, bà thường bị mệt mỏi, nhói tim, ép tim, khó thở, nhất là ban đêm. Sau khi được phẫu thuật u đại tràng, sức khỏe ổn định, bà T.H. được thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Đến nay, sau một tuần đặt máy tạo nhịp, sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Bác sĩ Lâm Hồng Đức, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết nhịp tim đập quá chậm khiến lượng máu được đẩy lên não không đủ, gây ra hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi, xây xẩm mặt mày, thậm chí có thể làm bệnh nhân bị đau ngực dẫn đến đột quỵ, đột tử. Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim là kỹ thuật cao, được chuyển giao từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Máy tạo nhịp tim được đặt trong cơ thể bệnh nhân, giúp điều chỉnh nhịp tim của bệnh nhân trở về mức bình thường. Thời hạn sử dụng của máy tạo nhịp khoảng 10 năm.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin