Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần nhiều hơn nữa những cái "bắt tay"…

08:06, 17/06/2023

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm thuộc dự án Sân bay Long Thành với kinh phí 306 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân trong khu vực bị giải tỏa, nhường đất cho sân bay.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm thuộc dự án Sân bay Long Thành với kinh phí 306 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân trong khu vực bị giải tỏa, nhường đất cho sân bay. Để thực hiện đề án, UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị có liên quan, trong đó có Sở LĐ-TBXH, triển khai. Tuy nhiên, kết quả đến nay chưa đạt như mong muốn.

Theo Sở LĐ-TBXH, Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm thuộc dự án Sân bay Long Thành được áp dụng cho tất cả người dân trong độ tuổi lao động thường trú trong hộ gia đình kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở hoặc bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống trong vùng dự án. Những đối tượng đủ điều kiện khi tham gia đào tạo nghề sẽ được hưởng chính sách miễn giảm chi phí, giải quyết việc làm khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Mặc dù chính sách ưu tiên đã có nhưng qua thực tế triển khai cho thấy, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Nguyên nhân được xác định là do sau khi chuyển từ nơi ở cũ sang nơi ở mới, người dân cần thời gian ổn định, chưa tìm hiểu để tham gia chính sách học nghề. Hơn thế nữa, khu vực Long Thành có khá nhiều khu công nghiệp nên người lao động không gặp khó khăn khi chuyển đổi nghề nghiệp.

Dự báo, khi đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Long Thành sẽ cần khoảng 13,8 ngàn lao động ở nhiều trình độ khác nhau. Đây là cơ hội rất lớn cho người dân trong và ngoài khu vực của dự án. Trong đó, nguồn lao động tại chỗ đóng vai trò khá quan trọng, giúp cho quá trình hoạt động của dự án Sân bay Long Thành vận hành trơn tru, ổn định ngay từ giai đoạn đầu. Chính vì vậy, ngoài những chương trình do tỉnh đã và đang triển khai nhằm đào tạo nghề phục vụ cho sân bay Long Thành, việc một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh “chớp” cơ hội, tăng cường liên kết, mở rộng chương trình đào tạo với doanh nghiệp được xem là bước đi quan trọng nhằm đón đầu dự án. Bởi, đây thực sự là cơ hội “có một không hai” của nhiều ngành nghề, với số lượng lớn cùng những đòi hỏi tương đối khắt khe về chất lượng.

Để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho sân bay, cần nhiều hơn nữa những cái “bắt tay” giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp và những đơn vị đào tạo uy tín cả trong và ngoài nước.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều