Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng việc làm

09:04, 22/04/2023

Đơn hàng tiếp tục giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động thay vì tuyển người như các năm trước. Thực trạng này đang xảy ra tại nhiều DN trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Đơn hàng tiếp tục giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động thay vì tuyển người như các năm trước. Thực trạng này đang xảy ra tại nhiều DN trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang nỗ lực tìm đơn hàng để giữ việc làm cho công nhân. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Parker Seal Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang nỗ lực tìm đơn hàng để giữ việc làm cho công nhân. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Parker Seal Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Trước thực trạng trên, ngoài nỗ lực giữ việc làm cho người lao động (NLĐ), việc triển khai các giải pháp hỗ trợ lao động mất việc làm, giúp ổn định đời sống cho NLĐ đang được tổ chức Công đoàn trong tỉnh quan tâm.

* NLĐ tiếp tục làm việc luân phiên

Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (H.Nhơn Trạch) đang tổ chức cho NLĐ làm việc luân phiên trong tuần do giảm đơn hàng. Dù việc làm và thu nhập giảm, song đội ngũ lao động nơi đây vẫn tích cực làm việc, quan hệ lao động tại DN ổn định và hài hòa.

Chủ tịch Công đoàn công ty Đỗ Thị Thúy Kiều cho hay, từ cuối năm ngoái đến nay, đơn hàng của công ty giảm nhưng vẫn đảm bảo các chế độ cho NLĐ. Hiện NLĐ dù làm việc luân phiên nhưng rất chia sẻ cùng DN. “Để giữ tinh thần làm việc của NLĐ, lãnh đạo công ty và Công đoàn thường xuyên đối thoại với NLĐ. Trong đó, thông báo tình hình sản xuất, đơn hàng để NLĐ biết và cùng hợp tác trong các phương án sản xuất của DN. Ngoài ra, công ty và Công đoàn cũng lắng nghe chia sẻ, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để cùng tháo gỡ. Công đoàn đang hy vọng trong quý II này, đơn hàng sẽ có trở lại để ổn định việc làm cho NLĐ” - bà Kiều chia sẻ.

Theo các cấp Công đoàn Đồng Nai, dự báo đơn hàng của DN trong quý II-2023 tiếp tục khó khăn. Hơn lúc nào hết, NLĐ cần chia sẻ khó khăn với DN để đảm bảo việc làm của mình. Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường đối thoại với NLĐ, thông báo tình hình sản xuất, đơn hàng để NLĐ biết và cùng chia sẻ. Các hoạt động này nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, phát triển bền vững.

Bên cạnh nhiều DN đã có lại đơn hàng và đang tuyển lao động để phục hồi sản xuất thì một số DN vẫn bị giảm đơn hàng, nhất là ngành gỗ, điện tử, giày da. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến đời sống NLĐ, nhất là lao động xa quê ở trọ.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics (TP.Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho hay, từ tháng 7-2022, đơn hàng tại DN bắt đầu giảm, Ban giám đốc công ty đã cố gắng tìm những đơn hàng cuối năm cho NLĐ để có Tết đủ đầy. Từ sau Tết đến nay, đơn hàng giảm trở lại. Hiện tại, công ty không còn tăng ca mà chỉ tổ chức cho công nhân làm đúng thời gian theo giờ hành chính. Đồng thời, do không có đơn hàng nên DN phải cắt giảm một số lao động đã hết hạn hợp đồng 3 năm. “Trong quý II này, DN vẫn giảm đơn hàng. Công ty hy vọng quý III sẽ có đơn hàng lại nhằm ổn định việc làm thường xuyên cho NLĐ” - ông Hiệp chia sẻ.

Tại Công ty CP Hiệp Đạt Đồng Nai (chuyên sản xuất bu lông, ốc vít ở H.Vĩnh Cửu), mặc dù chỉ có trên 100 lao động nhưng do thiếu đơn hàng nên vẫn phải giảm giờ làm của NLĐ. Song để NLĐ không bị ảnh hưởng thu nhập, công ty vừa đầu tư 3 nhà giàn trồng rau sạch thủy canh nhằm góp phần giúp NLĐ có việc làm trong thời gian giảm việc. Dù đầu tư trái ngành đang kinh doanh nhưng đây cũng là cách làm sáng tạo của DN với mong muốn NLĐ vượt qua khó khăn.

* Tích cực hỗ trợ NLĐ

Theo nắm bắt của các cấp Công đoàn trong tỉnh, dự kiến trong quý II-2023, tình hình lao động việc làm và sản xuất, kinh doanh của các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, bên cạnh một số đơn vị duy trì sản xuất ổn định, có đơn hàng trở lại thì vẫn có nhiều DN khó khăn buộc phải cắt giảm lao động hoặc giải thể công ty.

Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay, trong quý I-2023, các DN đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng do xung đột giữa Nga - Ukraine và ảnh hưởng của chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu và hậu dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Ảnh hưởng nhiều nhất là ngành gỗ, có đơn vị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc giảm việc từ 1-6 ngày/tháng. Đến nay, các KCN ở Biên Hòa đã có 50 DN giảm đơn hàng với khoảng 50 ngàn NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm.

Trong khi đó, tại H.Trảng Bom, nhiều NLĐ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống do DN hoạt động cầm chừng, cho NLĐ nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động.

Chị Nguyễn Ngọc Huyền, từng làm công nhân tại một DN may mặc ở KCN Hố Nai (H.Trảng Bom) cho biết, chị đã có 19 năm làm việc tại phòng y tế của công ty với thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng. Tháng 1-2023, DN không có đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân lực và chị nằm trong số bị mất việc. “Tôi gắn bó với công ty từ lúc lương còn 500 ngàn đồng/tháng. Nay mất việc, tôi đang không biết phải làm sao để xoay xở lo cho gia đình. Mong muốn của tôi lúc này là sớm tìm được việc làm mới” - chị Huyền bộc bạch.

Trước thực trạng NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm, các cấp Công đoàn trong tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, LĐLĐ tỉnh đã thành lập tổ công tác rà soát, phê duyệt hỗ trợ đoàn viên, NLĐ kịp thời.

Qua rà soát, tính đến nay, LĐLĐ tỉnh đã xét duyệt hồ sơ để hỗ trợ cho hơn 11 ngàn lao động với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, có 5,4 ngàn lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc và 5,8 ngàn NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục thẩm định hồ sơ để đoàn viên, NLĐ sớm nhận được hỗ trợ. Số trường hợp đề nghị hỗ trợ đa phần là NLĐ làm việc trong các DN trên địa bàn các huyện, thành phố có KCN tập trung như: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu…

Thuộc diện mất việc làm do DN thiếu đơn hàng, sau khi biết về chính sách hỗ trợ từ Công đoàn, chị Nguyễn Thị Hương, làm việc tại Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam (H.Trảng Bom) đã làm hồ sơ để nhận hỗ trợ. Chị Hương cho biết, khoản tiền tuy ít nhưng giúp chị trang trải cuộc sống trước mắt. “Trong lúc không có việc làm, số tiền hỗ trợ là sự động viên lớn và rất cần thiết đối với tôi” - chị Hương nói.

Ngoài gói hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, Sở LĐ-TBXH đã tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Quyết định 122 của UBND tỉnh về chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Tính đến ngày 30-3, các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 192 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và 3.256 lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Sở LĐ-TBXH đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, phê duyệt và hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn.


Chủ tịch LĐLĐ tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý: Kịp thời hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn

Trên địa bàn tỉnh, tình hình DN và lao động việc làm tiếp tục có những khó khăn nhất định và LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn nắm tình hình lao động từng tuần, từng tháng để có những kiến nghị hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, yêu cầu các Công đoàn cơ sở nắm bắt thực tiễn, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động để tham mưu tốt, kịp thời trong công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

Phó chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom LÊ ĐỨC THỤY: Theo dõi các chế độ, chính sách của NLĐ

Trên địa bàn huyện có 6.200 NLĐ bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. LĐLĐ huyện đã triển khai hướng dẫn rộng rãi đến các đơn vị, DN tổng hợp các trường hợp NLĐ gặp khó khăn do giãn việc, mất việc để hỗ trợ nếu đủ điều kiện. Hiện một số DN hoạt động cầm chừng để giữ việc cho NLĐ, vì vậy LĐLĐ huyện chủ động nắm bắt các chế độ, chính sách để thương lượng với DN nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho NLĐ.

Thảo My (ghi)


Lan Mai

Tin xem nhiều