Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời tháo gỡ khó khăn về thuốc, thiết bị y tế

12:03, 09/03/2023

Trước tình trạng nhiều bệnh viện trong cả nước phải hạn chế các ca mổ, hạn chế tiếp nhận bệnh nhân do thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, mới đây Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các bệnh viện.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện trong cả nước phải hạn chế các ca mổ, hạn chế tiếp nhận bệnh nhân do thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, mới đây Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang rà soát các vấn đề liên quan để sớm sửa chữa máy CT 256 lát cắt. Ảnh: H.DUNG
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang rà soát các vấn đề liên quan để sớm sửa chữa máy CT 256 lát cắt. Ảnh: H.DUNG

Đó là Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8-11-2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư y tế (Nghị quyết số 30).

* Gỡ khó về máy đặt, máy mượn

BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vui mừng cho biết, Nghị quyết số 30 của Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho bệnh viện. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến máy đặt, máy mượn.

Theo BS Trâm, bệnh viện hiện có nhiều máy đặt, máy mượn, chủ yếu là các máy xét nghiệm. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, bệnh viện được nhiều đơn vị, mạnh thường quân trao tặng các loại máy móc phục vụ công tác chữa bệnh. Tuy nhiên, trước đây chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về việc thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT bằng những loại máy này, khiến bệnh viện gặp khó khăn, bệnh nhân thiệt thòi.

Nghị quyết số 30 của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên. Qua đó góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đến nay, Nghị quyết 30 đã cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng những trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị này. Đồng thời, được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng phấn khởi khi Nghị quyết số 30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

“Trước khi Nghị quyết 30 ra đời, chúng tôi rất lo lắng vì theo Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ, thời gian thực hiện quy định trên chỉ đến ngày 5-12-2023 là hết hiệu lực. Còn theo Nghị quyết 30, đối với các hợp đồng được ký từ ngày 5-11-2022 sẽ được thực hiện cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp các loại hợp đồng trên hết thời hạn thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua” - BS Trâm nói.

Nghị quyết 30 cũng nêu rõ, trường hợp trong hồ sơ mời thầu chủ đầu tư quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư. Chi phí khám, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng những máy này được quỹ BHYT thanh toán.

* Bỏ quy định phải có 3 bảng báo giá

BS CKII Lê Văn Lương, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30, bệnh viện sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các trang thiết bị y tế hiện có. Những loại máy móc, thiết bị cần mua sắm gấp thì tùy theo ngân sách của bệnh viện để mua sắm. Quan điểm của bệnh viện là lấy người bệnh làm trung tâm, ưu tiên mua sắm, sửa chữa những thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu trước như: máy CT, máy MRI.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

BS Lương chia sẻ, thời gian qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm máy móc, vật tư do liên quan đến quy định phải có 3 báo giá trước khi đấu thầu trang thiết bị y tế. Cũng do vướng mắc này mà đến nay máy CT 256 lát cắt của bệnh viện vẫn chưa được sửa chữa.

BS Lê Thị Phương Trâm cho biết thêm, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, yêu cầu phải có 3 báo giá sản phẩm trước khi đấu thầu trang thiết bị y tế khiến các bệnh viện gặp vô vàn khó khăn. Bởi có những mặt hàng độc quyền, lần đầu được bán trên thị trường, chỉ có 1 công ty cung cấp thì các bệnh viện không thể kiếm được 3 bảng báo giá. Các bệnh viện không thể mua máy của hãng này mà lấy báo giá của hãng khác được.

Theo quy định mới của Nghị quyết 30, trong năm 2023, Chính phủ cho phép các bệnh viện được thí điểm xây dựng giá gói thầu mua trang thiết bị. Nếu cùng chủng loại trang thiết bị nhưng có nhiều hãng sản xuất thì bệnh viện giao Hội đồng Khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn và lấy báo giá theo quy định.

Một trong những căn cứ để xác định giá gói thầu là giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (dmec.moh.gov.vn), trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc hình thức khác trong 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ vào số báo giá nhận được để xây dựng giá gói thầu. Nếu chỉ có 1-2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá đã nhận được để xây dựng giá gói thầu.

Chính phủ cũng cho phép bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối với trường hợp chỉ có một nhà cung cấp (máy độc quyền) hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác. Giá gói thầu được xác định dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư…

Hạnh Dung

Tin xem nhiều