Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai giải pháp bình ổn thị trường

08:02, 11/02/2023

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm tiết kiệm.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm tiết kiệm.

Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Người tiêu dùng chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Các đơn vị chức năng cần triển khai các hoạt động theo kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2023. Các hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối trong tỉnh chủ động đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo công tác về giá, niêm yết giá để đảm bảo ổn định thị trường sau Tết Nguyên đán.

* Cân đối chi phí vận hành

Ông Nguyễn Ngọc Huệ, quản lý chuỗi nhà hàng La Vista (TP.Biên Hòa) cho hay, sau Tết, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá gas tăng mạnh, trong khi lượng khách có xu hướng giảm. Nhà hàng vẫn đang chấp nhận bù lỗ các chi phí phát sinh về nhân công, giá gas để giữ giá bán đầu ra. Tùy vào diễn biến thị trường trong thời gian tới, nhà hàng sẽ cân đối chi phí phù hợp.

Đối với các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhiều siêu thị, chợ đầu mối cho biết sẽ chủ động các phương án đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định trong thời gian tới, cũng như làm việc với các đơn vị phân phối, cung ứng để có phương án cung cấp hàng hóa phù hợp, cân đối các chi phí phát sinh để giữ giá ổn định.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho hay, từ sau rằm tháng Giêng, lượng hàng hóa tiêu thụ tại chợ dần ổn định khoảng 200-250 tấn/ngày. Chợ sẽ tiếp tục chủ động các phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng hàng hóa, thực hiện tốt công tác về niêm yết giá…

* Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Trước những tác động do biến động giá xăng, dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào tăng, các hệ thống bán lẻ hiện đại chủ động về phương án ổn định giá đầu ra, xem xét kỹ đề nghị của các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa về việc điều chỉnh giá bán nhiều mặt hàng tiêu dùng một cách phù hợp, không được tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, trong bối cảnh mặt bằng giá tiêu dùng có xu hướng tăng, rất cần các chương trình, chính sách, công cụ quản lý về giá trong tình hình mới để có thể hạ nhiệt giá cả, tránh lạm phát xảy ra.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Trong đợt cao điểm kiểm tra thị trường cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá. Tổng số tiền thu phạt đạt hơn 64 triệu đồng.

Lam Phương

Tin xem nhiều