Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, các địa phương trên cả nước phải có 80% thủ tục hành chính (TTHC) được chuyển sang dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Đây là mục tiêu không hề đơn giản nếu các địa phương không thực hiện quyết liệt.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, các địa phương trên cả nước phải có 80% thủ tục hành chính (TTHC) được chuyển sang dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Đây là mục tiêu không hề đơn giản nếu các địa phương không thực hiện quyết liệt.
TP.Biên Hòa đã đầu tư trung tâm điều hành thông minh hiện đại phục vụ điều hành các hoạt động của thành phố, trong đó có tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua mạng. Ảnh: C.Nghĩa |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, việc thực hiện DVCTT mức độ 4 sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, do đó phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, cán bộ công chức (CBCC) phải chủ động cập nhật kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là cần hỗ trợ để người dân làm quen nhiều hơn với DVCTT.
* Lóng ngóng với DVCTT
Cưới nhau được vài tháng nay, thế nhưng khi cần giấy đăng ký kết hôn để chuyển công tác, vợ chồng chị Phạm Thị Hải (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) mới đến UBND phường đăng ký kết hôn. Theo quy định mới, đăng ký kết hôn sẽ phải thực hiện trực tuyến hoàn toàn thay vì nộp hồ sơ trực tiếp như trước. Sự thay đổi này khiến vợ chồng chị Hải lóng ngóng trong việc lập tài khoản cá nhân để nộp hồ sơ trực tuyến. Vì thao tác không đúng nên việc lập tài khoản đã phải làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi được cán bộ tư pháp phường hướng dẫn.
Tuy nhiên, đến phần thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến thì chị Hải thấy rất đơn giản, vì các trường thông tin cá nhân của chị đã có sẵn khi lập tài khoản, chị chỉ cần nhập thông tin của chồng và chụp các giấy tờ theo yêu cầu để tải lên hệ thống hoàn thành. Chị Hải chia sẻ: “Nhờ đi đăng ký kết hôn mà lần đầu tôi được trải nghiệm thế nào là DVCTT. Thực tế, việc thao tác để hoàn thành thủ tục rất dễ dàng, nhanh chóng. Chỉ mất một lần lập tài khoản là có thể dùng tài khoản đó để nộp hồ sơ trực tuyến nhiều dịch vụ công khác trên cổng dịch vụ công của tỉnh”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Tận tình hướng dẫn cho người dân DVCTT là xu thế mà nhiều nước đã làm từ lâu, vì thế phải cầm tay hướng dẫn cho người dân làm quen. Khi ngày càng có nhiều người dân sử dụng dịch vụ thì người dân được lợi, CBCC chắc chắn sẽ bớt áp lực, hiệu quả công việc được nâng cao. Khi xây dựng các phần mềm ứng dụng giải quyết TTHC trên không gian mạng thì phải cố gắng càng đơn giản người dân càng dễ dàng sử dụng. |
Theo cán bộ trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa P.Trảng Dài, phường có dân số đông nhất TP.Biên Hòa nhưng CBCC được phân công trực tiếp nhận và giải quyết TTHC lại ít nên áp lực với công việc là rất lớn. Phần lớn người dân vẫn quen với cách nộp hồ sơ trực tiếp, chỉ khi nào CBCC hướng dẫn mới chịu làm quen với cách nộp hồ sơ mới. Có người rành công nghệ thì thao tác lập tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến tương đối nhanh, nhưng có người sau vài lần thao tác thất bại lại nản lòng. Khi đó, CBCC phường phải dành thời gian để hướng dẫn lại từ đầu theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Năm 2022, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa Văn phòng UBND H.Cẩm Mỹ tiếp nhận lượng hồ sơ yêu cầu của người dân tăng đột biến (gấp đôi năm 2021). Đến đầu tháng 11, đã tiếp nhận 53 ngàn hồ sơ, có ngày tiếp nhận đến 300 hồ sơ, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Một cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ cho biết, khi lượng hồ sơ tăng đột biến thì áp lực với cán bộ sẽ tăng theo. Tiếp nhận lượng hồ sơ quá lớn dễ dẫn đến giải quyết không kịp và trễ hẹn, người dân không hài lòng. Nếu phần lớn hồ sơ nói trên được nộp trực tuyến sẽ thuận tiện hơn cho cả người dân và CBCC, nhưng người dân vẫn quen nộp trực tiếp thay vì trực tuyến.
Vị cán bộ công tác ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của Văn phòng UBND H.Cẩm Mỹ cho biết thêm, để nâng được tỷ lệ giải quyết hồ sơ DVCTT, huyện bắt buộc những đơn vị, cá nhân làm dịch vụ phải đăng ký tài khoản và nộp trực tuyến. Đối với người dân, nhất là những người trẻ khi đến nộp hồ sơ trực tiếp, cán bộ trực hướng dẫn luôn cách lập tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến. Có người thực hiện tốt, nhưng cũng có người không thực hiện được, thậm chí có người bức xúc gọi điện phản ánh lên Tổng đài dịch vụ công 1022 của tỉnh để “méc”, cho rằng bị cán bộ làm khó.
* Cần phổ cập DVCTT
Đến nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã đưa trên 1 ngàn DVCTT đạt mức độ 4, thực hiện hoàn toàn trên mạng. Nhiều sở, ngành trước đây phải cử cán bộ thay phiên nhau nhận trực tiếp hồ sơ của người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh thì nay đã chuyển hoàn toàn sang tiếp nhận trực tuyến mức độ 4. Điều này đồng nghĩa với việc CBCC có thể ngồi tại đơn vị mình nhận hồ sơ qua mạng. Dù ngày càng có nhiều THHC được giải quyết trực tuyến hoàn toàn trên mạng, người dân ngồi ở đâu cũng có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà nhưng lại chưa có nhiều người dân trải nghiệm.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực TTHC cũng như tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ bằng DVCTT của tỉnh dù có nhiều nỗ lực nhưng nếu so với một số tỉnh, thành thì cần phải nỗ lực nhiều hơn. Có nhiều DVCTT mức độ 4 rồi thì phải huy động lực lượng CBCC, Đoàn thanh niên tập trung phổ cập cho người dân, giúp người dân ai cũng có một tài khoản trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Khi cần, người dân có thể sử dụng để nộp hồ sơ trực tuyến ngay, thay cho cách nộp hồ sơ trực tiếp.
Muốn ngày càng có nhiều hơn người dân trải nghiệm DVCTT thì cần phải có cách làm bài bản, lấy người dân làm trung tâm của kế hoạch, đồng thời CBCC phải đóng vai trò then chốt. Theo cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh, chưa nói đến người dân, nhiều CBCC nhà nước hiện chưa sẵn sàng tiếp cận với DVCTT. Mỗi khi cần giải quyết các thủ tục cho cá nhân mình vẫn muốn đi giải quyết trực tiếp thay vì trực tuyến, vì cho rằng an tâm hơn. Do đó, muốn người dân dùng nhiều thì trước hết CBCC nhà nước phải thực sự tiên phong đi trước, trải nghiệm trước, từ đó chia sẻ và làm lan tỏa những lợi ích to lớn của DVCTT đến với từng người dân.
Ông Trần Minh Tân, Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT-TT) cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh thúc đẩy người dân thực hiện DVCTT năm 2023. Cụ thể, sẽ giao chỉ tiêu nâng tỷ lệ DVCTT cho từng sở, ngành, địa phương; thực hiện khảo sát trải nghiệm của người dân khi sử dụng DVCTT. Người dân khi sử dụng DVCTT sẽ được giảm phí và lệ phí nếu có; đồng thời, các cơ quan, đơn vị sẽ kiên quyết nói không với việc sử dụng các loại văn bản giấy, thay vào đó là các văn bản điện tử. Hiện nay, Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với các ngân hàng làm trung gian thu lệ phí, phí khi người dân thực hiện DVCTT, dự kiến trong thời gian tới các ngân hàng sẽ bỏ việc thu phí dịch vụ chuyển tiền.
Trưởng phòng Nội vụ TP.Biên Hòa TRẦN MINH TẤN: Ứng dụng công nghệ để nâng hiệu quả giải quyết hồ sơ
Các cơ quan, đơn vị đang đứng trước yêu cầu tiếp tục tinh giản biên chế, nhưng việc thì ngày một nhiều, trong khi đó thu nhập không tăng. Do đó, cán bộ phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc. Người dân cũng cần chia sẻ với CBCC bằng việc chủ động tìm hiểu và trải nghiệm DVCTT thay cho các hình thức truyền thống.
Chánh Văn phòng Sở Tư pháp LÊ XUÂN QUÝ: Khuyến khích người dân bằng cách giảm phí
Cần phải có những chính sách quyết liệt hơn để khuyến khích cả CBCC lẫn người dân sử dụng DVCTT. Chẳng hạn, với CBCC, khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua mạng thì nên bỏ khâu ghi chép vào sổ theo dõi như cách tiếp nhận hồ sơ truyền thống. Làm như vậy sẽ giảm bớt công việc cho CBCC, lại đỡ tốn kém. Còn đối với người dân, khuyến khích người dân dùng DVCTT thì phải thực sự là khuyến khích. Chẳng hạn, khi người dân nộp lệ phí lý lịch tư pháp trực tiếp chỉ tốn 200 ngàn đồng, nhưng khi nộp trực tuyến lại mất thêm 5,5 ngàn đồng phí chuyển tiền cho ngân hàng là không hợp lý.
Thành Nam (ghi)
Công Nghĩa