Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo hệ sinh thái để thu hút đầu tư cho chế biến nông sản

07:11, 29/11/2022

Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này hiện còn chưa xứng tầm.

Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này hiện còn chưa xứng tầm.

Chế biến các sản phẩm trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Chế biến các sản phẩm trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đáp ứng tốt cả thị trường trong nước và quốc tế.

* DN mong được tiếp sức

Thời gian qua, DN sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chi phí sản xuất tăng cao trong khi thị trường đầu ra bị thu hẹp lại.

Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty AGRO KING tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) cho biết, DN đang cung cấp chuối chín vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu sản phẩm chuối tươi, sản phẩm trái cây chế biến đi nhiều nước trên thế giới.

Thời gian qua, khi vào mùa thu hoạch và xuất khẩu trái chuối tươi, DN đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro vì Trung Quốc vẫn còn chính sách Zero Covid. Bà Trâm ví dụ: “Với nông sản khô, có 1 ca Covid-19 là container hàng bị giam lại 3 tuần sau mới trả, DN phải tốn kém thêm nhiều chi phí, hàng tươi thì coi như đổ bỏ. Hiện cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều dịch chuyển và tiêu thụ rất chậm, DN đang gồng mình duy trì hoạt động để đảm bảo lương, đóng bảo hiểm cho người lao động”.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN VĂN THẮNG, hiện tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và chính sách hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ) nhằm ưu tiên thu hút đầu tư chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu.

Cùng quan điểm, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) nhận xét, DN kinh doanh, chế biến nông sản đang đồng loạt gặp khó vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều chậm hơn trước rất nhiều. DN muốn nỗ lực mở thêm thị trường mới thì phải “chăm” đi hội chợ. Nhưng thực tế, tự mỗi cá nhân DN đăng ký tham gia hội chợ không được, phải là đại diện Bộ NN-PTNT, cơ quan nhà nước.

Theo ông Thái: “Tôi rất mong được hỗ trợ tham gia các hội chợ quốc tế, nhất là các khu vực Trung Đông, châu Âu… Tại nhiều hội chợ tôi đi, Việt Nam chỉ có đôi ba gian hàng lẻ loi, mong được hỗ trợ làm một gian hàng tập trung có 10-20 DN, mỗi đơn vị chỉ cần 1-2m2 trưng bày vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo ấn tượng sự đa đạng, chuyên nghiệp để thu hút khách”.

Đối mặt với tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, DN mong được hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì sản xuất; hỗ trợ tìm quỹ đất đầu tư các dự án nông nghiệp; hỗ trợ và đơn giản hóa về thủ tục hành chính trong hoạt động DN…

* Cần tháo gỡ những rào cản

Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cơ sở hạ tầng trong những năm qua đã được tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ, đây là những tiền đề cho phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Đất đai màu mỡ chiếm phần lớn diện tích, thích hợp cho việc phát triển các cây công nghiệp, cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Khí hậu ở Đồng Nai cũng ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 415 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ có liên quan nông nghiệp và sản xuất, chế biến thực phẩm. Về chế biến, có khoảng 260 DN hoạt động chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo (xúc xích, giò lụa…), sản phẩm trái cây sấy, cà phê, hạt điều…

Đặc biệt, ngành chăn nuôi đã thu hút được nhiều thành phần tham gia đầu tư chăn nuôi. Trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn trong tổng đàn vật nuôi của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 181 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm thực phẩm chế biến từ nông sản được xuất khẩu còn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.

Thu hút đầu tư của Đồng Nai vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư vào chế biến sâu chưa xứng với tiềm năng, mà một trong những khó khăn lớn là về quỹ đất. Theo phản ánh của nhiều DN, Đồng Nai đang là địa bàn “nóng” về giá đất đai. Các vùng quy hoạch đất cho nông nghiệp đang gặp thực trạng quỹ đất chủ yếu trong tay người đầu cơ khiến giá đất bị đẩy lên cao, DN có nhu cầu đầu tư thực sự rất khó hoặc không tiếp cận được quỹ đất sạch. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm quy hoạch quỹ đất cho các dự án nông nghiệp. Ngoài ra, DN mong được đơn giản hóa các quy trình thủ tục hành chính nhà nước trong hoạt động của DN.

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Đặng Tường Khanh cho hay, hiện DN đã mở rộng vùng nguyên liệu ra 6 tỉnh, thành và đang thu mua trái tươi cho nông dân với giá ổn định. DN có nhu cầu xây dựng mở rộng nhà máy để đáp ứng quy mô sản xuất thị trường xuất khẩu toàn cầu với định hướng lâu dài hàng chục năm nhưng vướng những quy định về thủ tục đất đai. DN cũng rất mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ tháo gỡ cho DN.


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI: Tập trung mọi giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp chế biến sâu

Đồng Nai có lợi thế là thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến, xuất khẩu. Các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tạo nên sản phẩm và thương hiệu nông sản, sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Mục tiêu của Đồng Nai là thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu và những sản phẩm của Đồng Nai sẽ đáp ứng tốt cả thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng đang tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân trực tiếp sản xuất, nâng cao hiệu quả sản phẩm nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Sở NN-PTNT cần tiếp tục triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, tăng cường thương mại điện tử và chuyển đổi số. Tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy việc tích tụ đất đai bằng các hình thức phù hợp.

Các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh gắn liền với chế biến; đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Nhanh chóng hoàn thiện đưa vào hoạt động và kêu gọi các nhà đầu tư vào 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản tại H.Định Quán và H.Cẩm Mỹ; khuyến khích và hỗ trợ các DN áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản của Đồng Nai cả trên thị trường nội địa và thế giới.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) LÊ VĂN QUYẾT: Liên kết để tăng sức cạnh tranh

Hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ không còn phù hợp nữa mà phải phát huy vai trò của HTX, kinh tế tập thể để tập hợp các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Vào chuỗi, người chăn nuôi yên tâm vì ngay cả thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá gà ngoài thị trường rớt chỉ còn 5 ngàn đồng/kg vẫn không bán được thì các trang trại vào chuỗi chăn nuôi vẫn bán với giá có lợi nhuận tốt là 28 ngàn đồng/kg.

Đây cũng là nguyên nhân tôi thành lập HTX công nghệ cao, quy tụ những chủ trại chăn nuôi có kinh nghiệm để tăng quy mô nhỏ lẻ lên quy mô hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn và quy mô xuất khẩu. Thời gian qua, mặt bằng chung người chăn nuôi bị thua lỗ vì chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó thì thị trường tiêu thụ thịt gà công nghiệp khá ổn định, giá tốt có nguyên nhân là thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang tăng trưởng tốt.

Rất nhiều trang trại, hộ chăn nuôi chỉ có vốn khoảng vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng, đầu tư nhỏ sẽ khó phát triển được nhưng nếu liên kết lại thì nguồn vốn tăng lên hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng và có thể đầu tư trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng tự động hóa thì mới hạ giá thành sản xuất, sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh.                

Lê Quyên


Bình Nguyên

Tin xem nhiều
gia công mỹ phẩm Giá máy làm đá cho nhà hàng lớn