Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế

07:09, 13/09/2022

Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân", to tiếng chửi bới nhân viên y tế đã và đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, to tiếng chửi bới nhân viên y tế đã và đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lấy thông tin của bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lấy thông tin của bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: H.Dung

Vấn nạn này cần có cách giải quyết triệt để nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ để thực sự làm hài lòng người bệnh.

* Những vụ việc đáng tiếc

Vừa qua, Bộ Y tế đã lên án hành vi hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Hành vi đó có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp hành nghề và các nhân viên y tế khác.

Theo đó, tối 27-7, một người đàn ông đưa bé gái khoảng 10 tuổi bị hóc xương vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau thăm khám, bác sĩ ghi nhận sinh hiệu của trẻ bình thường, trẻ không khó thở, cảm giác nuốt vướng và đau. Bác sĩ dặn trẻ ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho cháu bé.

Khoảng 5 phút sau, một người xưng là cha của bé gái đi vào la hét, không đồng ý chờ đợi. Mặc dù được bác sĩ giải thích nhưng người này tiếp tục truy hỏi bác sĩ, lấy điện thoại quay clip và có những lời lẽ khó nghe, yêu cầu cần được nội soi ngay lập tức. Người đàn ông này sau đó xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip.

Để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, theo BS NGUYỄN XUÂN HOÀNG, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bản thân nhân viên y tế phải không ngừng rèn luyện để có trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ phục vụ người bệnh chuyên nghiệp hơn. Tiếp đến, người dân cần nâng cao kiến thức để hiểu được rằng nhân viên y tế luôn muốn cứu chữa cho bệnh nhân tốt nhất, không ai vào nghề y để làm hại bệnh nhân cả.

Vào tháng 7-2019, Sở Y tế Đồng Nai đã phải gửi văn bản khẩn đề nghị Công an tỉnh xử lý nghiêm trường hợp N.C.L. (32 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) có hành vi hành hung nữ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Trong lúc nằm đợi vợ sinh tại bệnh viện, L. nghe tiếng loa phát thanh của bệnh viện phát ra những tiếng hú khó chịu nên đến nói với nhân viên y tế tắt loa. Nhân viên y tế của bệnh viện báo cho bộ phận kỹ thuật đến để sửa loa.

Trong tình trạng có hơi men và khó chịu với tiếng loa phát thanh, L. sau đó đã chạy vào phòng cấp cứu của Khoa Sản và đã đấm vào mặt BS N.L.H. đang làm việc tại đây dù BS H. không hề liên quan, không có bất kỳ sự giao tiếp nào với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Sự cố này đã khiến BS H. bị chấn thương ở vùng mặt, mắt, sưng má, bị hoảng loạn tinh thần. Nhiều nhân viên y tế khác cũng rất bất bình và lo ngại an toàn, an ninh với người nhà bệnh nhân.

* Chưa có sự thấu hiểu giữa hai bên

BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chia sẻ khoa Cấp cứu là nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, là nơi đầu tiên tiếp nhận những ca bệnh nặng và kể cả những ca bệnh không nặng nhưng người nhà bệnh nhân nghĩ là nặng.

Khi đưa người nhà vào đến Khoa Cấp cứu, hầu hết thân nhân bệnh nhân đều mang tâm thế xem bệnh của người thân mình là nặng nhất, cần được ưu tiên cấp cứu ngay. Tuy nhiên, họ không có chuyên môn để hiểu được trường hợp nào cần cấp cứu khẩn cấp, trường hợp nào có thể trì hoãn.

Do đó, có những trường hợp vào cấp cứu sau nhưng bác sĩ đánh giá mức độ bệnh rất nặng cần được xử lý trước. Hoặc nhiều bệnh nhân vào cấp cứu cùng lúc, bác sĩ đánh giá, phân loại bệnh, tập trung cấp cứu cho những trường hợp bệnh nặng trước, cũng khiến những người vào cấp cứu trước nhưng bệnh nhẹ chưa được xử lý không vừa lòng. Từ đó dẫn đến kích động, quấy rối, bạo hành với nhân viên y tế.

“Mới đây, tại Khoa Cấp cứu xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân tập trung đông, gây áp lực và xô xát với bảo vệ Khoa để đưa bệnh nhân về dù chưa làm xong các thủ tục theo quy định. Ngoài ra, cũng có tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân to tiếng, bạo lực tinh thần với nhân viên y tế” -
BS Hoàng nói.

BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu - khám bệnh, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, có những trường hợp thân nhân bệnh nhân lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con nên có lời nói to tiếng, xúc phạm nhân viên y tế. Có những lúc bệnh đông, lộn xộn ở khu vực cấp cứu, số lượng nhân viên y tế hạn chế, chưa kịp thời xử lý cho bệnh nhi hoặc bác sĩ đã thăm khám nhưng nhận thấy tình trạng bệnh ổn, hướng dẫn người nhà đưa con, cháu đến phòng khám nhưng người nhà không chịu, muốn được cấp cứu ngay.

BS Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết, để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi làm việc, bệnh viện đã làm hàng rào để bảo vệ, đồng thời cử bảo vệ trực chốt ở khu vực Khoa Cấp cứu để kịp thời xử lý trường hợp hành hung nhân viên y tế.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế, nhắc nhở y, bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà cần có thái độ tận tình, chu đáo. Đặc biệt, chú ý giao tiếp phù hợp để tránh gây hiểu nhầm, khiến cho thân nhân bệnh nhân bức xúc. Trong quá trình tiếp xúc, nếu có hiểu nhầm thì nhân viên y tế phải tự bảo vệ mình bằng lối thoát hiểm.

“Khoa bố trí 1 chốt bảo vệ ngay cửa khoa, đồng thời trang bị 1 nút thông báo khẩn cấp để khi có sự việc xảy ra, nhân viên y tế bấm nút là nhân viên bảo vệ ở ngoài cổng kịp thời chạy đến hỗ trợ” - BS Sửu cho biết.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích