Bên cạnh việc đảm bảo quyền và bổn phận; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình phát huy vai trò của trẻ em góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016.
Bên cạnh việc đảm bảo quyền và bổn phận; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình phát huy vai trò của trẻ em góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016.
Em Bùi Trần Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh thu thập ý kiến của các bạn học sinh trong trường để phản ảnh tại kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh. Ảnh: N.Sơn |
Thông qua các diễn đàn, hoạt động của hội đồng trẻ em (HĐTE) các cấp, trẻ em đã có cơ hội được nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng; đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề trẻ em quan tâm.
* Mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng
Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hằng năm Sở LĐ-TBXH chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức diễn đàn trẻ em. Đại diện của trẻ em tham gia diễn đàn đều mạnh dạn phản ảnh, nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Ngoài HĐTE cấp tỉnh, hiện có 5/11 huyện, thành phố gồm: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc đã thành lập HĐTE cấp huyện; đang có 2 đơn vị xây dựng kế hoạch thành lập là TP.Long Khánh và H.Thống Nhất. |
Tại diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai tổ chức cách đây 2 năm, các em đã mạnh dạn phản ảnh tình trạng bạo hành từ chính những người thân ruột thịt, các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục; tệ nạn xã hội, ma túy, thuốc lá điện tử đang âm thầm xâm nhập vào giới trẻ, trong đó có trẻ em, trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, một số em còn phản ảnh thực trạng cha mẹ và con cái ngày càng ít tương tác trực tiếp với nhau mà “thủ phạm” chính là những chiếc điện thoại thông minh…
Bên cạnh đó, từ tháng 6-2020, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Sở VH-TTDL phối hợp thành lập HĐTE tỉnh. Đây là hình thức tổ chức hoạt động thiếu nhi mới do chính trẻ em trực tiếp điều hành nhằm thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật. Từ đó, cộng đồng, xã hội sẽ quan tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc hiện thực hóa quyền của trẻ em.
Từ khi thành lập đến nay, HĐTE tỉnh đã duy trì tổ chức được 4 kỳ họp. Tại kỳ họp HĐTE lần thứ IV được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, các đại biểu trẻ em là thành viên HĐTE tỉnh đã tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến liên quan đến những trở ngại trong việc tham gia các hoạt động vui chơi, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp hè; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục…
Trong đó, nội dung thu hút nhiều lượt ý kiến liên quan đến việc tổ chức các hoạt động hè. Em Nguyễn Ngọc Tường Vy, học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc), cho rằng dịp hè, các cấp, các ngành quan tâm tổ chức nhiều hoạt động dành cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế hoạt động hè chủ yếu tập trung ở một bộ phận nhỏ thiếu nhi khu vực trung tâm mà chưa đến với mọi trẻ em. Vì vậy, Tường Vy đề xuất ở các trường học, các địa phương cần tổ chức thêm các hoạt động như: cắm trại kết hợp với các trò chơi, hội chợ ẩm thực, gian hàng handmade, tổ chức các hoạt động sáng tạo…
* Lắng nghe đi liền với hành động
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung cho biết, sau mỗi kỳ họp HĐTE tỉnh, Hội đồng Đội tỉnh đều tổng hợp các ý kiến, thông báo kết quả kỳ họp và gửi đến Hội đồng Đội Trung ương, một số ban Đảng Tỉnh ủy, Sở LĐ-TBXH, Sở VH-TTDL, hội đồng Đội các huyện, thành phố... Trên cơ sở ý kiến của các em, Hội đồng Đội tỉnh cũng đã đề xuất đối với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, hội đồng Đội các cấp…
Cô trò Trường mầm non Hướng Dương (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) trong ngày học sinh lớp lá chia tay ra trường. Ảnh:Huy Anh |
Chẳng hạn, sau Kỳ họp HĐTE trực tuyến lần thứ III-2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và từ các ý kiến của các thành viên HĐTE, Hội đồng Đội tỉnh đã đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương chăm lo hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đề xuất Sở Y tế tiến hành khử khuẩn tại các trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại…
Hay sau Kỳ họp HĐTE lần thứ IV vừa qua, Hội đồng Đội tỉnh đã đề xuất Sở LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp tổ chức trại hè dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, diễn đàn trẻ em, nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ em, phát huy tiếng nói của trẻ em. Đối với Sở VH-TTDL, đề xuất tham mưu tổ chức các lớp dạy bơi; phòng, chống đuối nước cho trẻ em dịp hè. Đối với hội đồng Đội các huyện, thành phố nghiên cứu các ý kiến để điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với nhu cầu của các em…
Em Bùi Trần Khánh Ngọc, học sinh Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho biết trong quá trình học tập tại trường em luôn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của các bạn và đem đến diễn đàn, kỳ họp. Tuy nhiên, em có một cảm nhận, các ngành, các cấp lắng nghe nhưng hành động chưa quyết liệt, những vấn đề chúng em phản ảnh chưa có nhiều cải thiện. Tình trạng bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước vẫn diễn ra.
“Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, em hy vọng thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm giải quyết tốt hơn các vấn đề của trẻ em, để những mầm xanh có cơ hội được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh” - Khánh Ngọc nói.
Nga Sơn
Em LÊ HỒNG HẢO, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Phú Lợi (xã Phú Lợi, H.Định Quán):
Cần cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ
Cha mẹ phải đi làm mướn, không có thời gian để quan tâm, chăm sóc cho em nên phải gửi em về nhà bà ngoại ở. Không có cha mẹ bên cạnh nên nhiều vấn đề em gặp phải trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè đều phải tự mình tìm cách vượt qua.
Ở tuổi 14-15, chúng em không còn quá nhỏ, nhưng cũng chưa đủ lớn để có những suy nghĩ và hành động chín chắn. Vì vậy, để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc, chúng em cần cha mẹ dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành, định hướng trong học tập và trong cuộc sống.
Em LÊ ĐĂNG VIẾT HÀ, học sinh lớp 9/15, Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Đừng vội trách khi chưa rõ nguyên nhân
Rất nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái chán nản, mất đi động lực phấn đấu khi bị điểm thấp, khi vấp phải sai lầm trong cuộc sống. Bản thân em đã từng trải qua cảm giác này. Lúc ấy em cảm thấy rất buồn, cảm thấy mình là người vô dụng, muốn khép mình, không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì ngay cả với cha mẹ của mình.
Điều em mong muốn là các bậc làm cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân của những sai lầm, đừng vội chỉ trích, đừng vội la mắng con khi chưa rõ nguyên nhân.
Em NGUYỄN THỊ TRÀ MY, học sinh lớp 6/2, Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ):
Mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình
Ở trường của em có hộp thư Điều em muốn nói, thầy cô cũng luôn khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình trước toàn trường. Tuy nhiên, các bạn học sinh vẫn chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình. Còn ở nhà, sự chênh lệch về tuổi tác giữa cha mẹ và con cái khiến cho các bạn khó mở lời. Điều này khiến thầy cô, cha mẹ không hiểu được những mong muốn, những nhu cầu của các em.
Cá nhân em cho rằng, mỗi người trẻ muốn cha mẹ, thầy cô hiểu mình cần mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ, thầy cô những tâm tư, nguyện vọng của mình để có thể tìm được tiếng nói chung.
Cẩm Tú (ghi)