Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp: Ai quản?

02:05, 16/05/2022

Pháp luật Việt Nam quy định rõ trách nhiệm với môi trường, xã hội của từng loại hình DN trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc tuân thủ đúng, đủ trách nhiệm theo luật định và báo cáo đánh giá tác động môi trường của DN vẫn còn hạn chế.

Pháp luật Việt Nam quy định rõ trách nhiệm với môi trường, xã hội của từng loại hình doanh nghiệp (DN) trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc tuân thủ đúng, đủ trách nhiệm theo luật định và báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của DN còn hạn chế.

Một số hạn chế trong đầu tư công trình, thiết bị bảo vệ môi trường khu vực sản xuất công nghiệp tập trung và khai thác khoáng sản (Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2022)
Một số hạn chế trong đầu tư công trình, thiết bị bảo vệ môi trường khu vực sản xuất công nghiệp tập trung và khai thác khoáng sản (Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2022) Thông tin: HOÀNG LỘC - Đồ họa: HẢI QUÂN

Thực hiện trách nhiệm môi trường không chỉ giúp DN giảm rủi ro, hướng tới phát triển bền vững mà còn góp phần tạo dựng giá trị về mặt hình ảnh, uy tín.

* Thiếu, chậm đầu tư công trình bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh chi ngân sách đầu tư nhiều công trình, dự án bảo vệ môi trường ở các khu sản xuất tập trung. Nhờ vậy, Đồng Nai không còn điểm “nóng”, điểm “đen” về môi trường. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện môi trường ở các khu, cụm công nghiệp thì còn nhiều việc phải làm.

Năm 2021, phạt hơn 6 tỷ đồng vi phạm pháp luật môi trường

Theo Sở TN-MT, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không tiến hành thanh, kiểm tra về môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra, thanh tra đột xuất đã phát hiện 73 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu số tiền hơn 6 tỷ đồng. Vi phạm phổ biến là xả chất thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường, chôn lấp chất thải, khai thác khoáng sản trái phép…

Báo cáo mới đây của UBND tỉnh chỉ ra, Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được lưu lượng và chất lượng nước thải ở các khu công nghiệp (KCN), DN có nguồn thải lớn. Nhưng ở từng nhóm tiêu chí vẫn còn những hạn chế. Chẳng hạn việc đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải vẫn còn 6 KCN chưa thực hiện, nhiều KCN chưa hoàn thành hạng mục hồ phòng ngừa sự cố nước thải. Ngoài ra, hơn 50% cơ sở thuộc đối tượng bắt buộc chưa lắp đặt quan trắc khí thải, nước thải để ngành chức năng giám sát.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu, chậm đầu tư công trình, thiết bị bảo vệ môi trường theo quy định được cho là lưu lượng nước thải chưa đủ lớn để đầu tư trạm quan trắc, quỹ đất không còn đủ đầu tư thêm công trình mới. DN đối mặt với nhiều khó khăn: dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào và nhân công tăng… nên đồng loạt kiến nghị gia hạn thời gian đầu tư.

Tại các cụm công nghiệp, không chỉ nhà đầu tư thứ cấp mà chủ đầu tư hạ tầng cũng gặp khó khăn trong đầu tư công trình, thiết bị bảo vệ môi trường. Hiện chỉ có 9/27 cụm có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó 4 cụm có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo Sở Công thương, chủ đầu tư hạ tầng cụm hầu hết là UBND cấp huyện, nguồn vốn không đủ hoàn thiện các hạng mục: đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom nước thải. DN trong cụm chủ yếu quy mô vừa và nhỏ không đủ năng lực thực hiện.

Ông Phan Văn Hết, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Đồng Nai cho rằng, việc chủ cơ sở đầu tư công trình, thiết bị bảo vệ môi trường là một chuyện, tuân thủ quy định lại là… chuyện khác. Thế nên mới có những vụ việc như: DN ở KCN Bàu Xéo (H.Trảng Bom) chôn lấp 13 tấn chất thải trong khuôn viên nhà máy năm 2021; xí nghiệp ở KCN Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) chôn lấp hơn 40 tấn chất thải nguy hại chưa xử lý xuống đất năm 2022 và hàng loạt vụ đổ trộm chất thải chưa xử lý, xả khí và nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. 

Ở lĩnh vực tài nguyên, tình trạng khai thác không phép, trái phép đất, cát dẫn đến sạt lở, mất đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn. Khai thác và vận chuyển đá xây dựng gây bụi, mất an toàn giao thông khu vực xung quanh. Vấn đề cải tạo môi trường ở các mỏ đá đóng cửa để phục vụ lợi ích người dân chưa làm được.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, hầu hết DN khai thác tài nguyên (đất, đá, cát, nước mặt và nước ngầm) trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ các quy định về môi trường, nghĩa vụ tài chính trước, trong và sau khai thác. Thực hiện cải tạo môi trường sau khai thác, nhưng cũng chỉ phục hồi ở mức độ nào đó theo quy định. Vẫn còn mỏ đá chưa đầu tư camera giám sát bụi khu vực khai thác, chế biến; công nghệ khai thác nổ mìn và khoan là chủ yếu.

* Tạo dựng thêm giá trị DN

Việc tuân thủ trách nhiệm với môi trường, xã hội không chỉ giúp DN giảm rủi ro về mặt pháp lý, tài chính để hướng tới phát triển bền vững mà còn góp phần tạo dựng giá trị về mặt hình ảnh, uy tín cho chính DN. Từ giá trị này, DN có cơ hội phát triển thị trường, mở rộng nhà máy, đây mới là lợi ích lớn và lâu dài.

Càng phát triển sản xuất công nghiệp, càng phải quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu)
Càng phát triển sản xuất công nghiệp, càng phải quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.LỘC

Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho biết, vài năm gần đây công ty được nhận nhiều chứng chỉ “xanh” trong nước và quốc tế liên quan đến môi trường. Nhà máy thứ 6 tại Đồng Nai đang được triển khai, sản phẩm đã có mặt tại hơn 20 quốc gia. Điều này không phải nghiễm nhiên mà cả một quá trình, quá trình đó xuất phát từ tư duy muốn xây dựng môi trường làm việc tốt cho công nhân và sản phẩm tốt cho cộng đồng. Công ty đã đầu tư công nghệ để tái sử dụng đến 99% nước thải từ hoạt động giặt ủi; làm xưởng sấy quần áo bằng nhiệt thay cho lò hơi; thực hiện cải tiến quy trình và áp dụng công nghệ tự động trong sản xuất để cải thiện năng suất; dự án điện mặt trời mái nhà để giảm sử dụng điện đang đầu tư.

Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng cho rằng, thời gian gần đây khá nhiều DN quan tâm đến vấn đề tái chế chất thải rắn. Không chỉ yêu cầu tái chế theo tỷ lệ mà pháp luật môi trường quy định, nhiều đơn vị đặt vấn đề tái chế 80-100% chất thải không nguy hại. Điều này không chỉ giúp DN xử lý triệt để chất thải với chi phí thấp mà còn là điều kiện để đạt được các chứng chỉ “xanh” về môi trường, sản phẩm. “Không chỉ DN sản xuất mà đối tác của họ từ châu Âu, châu Mỹ đến xem chúng tôi tái chế chất thải. Đây là một trong những điều kiện để họ hợp tác làm ăn. Do đó chúng tôi rất ưu tiên hoạt động tái chế” - ông Hùng chia sẻ.

Bà Lê Thị Minh Ánh, chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ TN-MT cho rằng, pháp luật môi trường hiện nay quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của DN với môi trường và xã hội. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn xảy ra. Trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của DN chưa cao. DN chú trọng đến sản xuất, bán hàng mà chưa chú trọng đến môi trường sản xuất và sức khỏe công nhân. Đa số DN trong nước quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính và công nghệ thấp, khó thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường nên tìm cách né trách nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật về môi trường còn nhiều nội dung gây khó khăn cho DN lẫn cơ quan quản lý, giám sát. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường chưa được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến DN còn vi phạm; mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, có trường hợp đóng tiền xử phạt thấp hơn chi phí để xử lý, khắc phục môi trường.  

Ban Mai


Ông NGUYỄN ĐẠO HỮU, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA (H.Long Thành)

Là thành viên của Tập đoàn Nhựa và hóa chất Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA rất quan tâm phát triển xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn. Khi có luật, thông tư, nghị định mới liên quan đến môi trường, DN tham vấn ý kiến của Ban Quản lý KCN, Sở TN-MT để triển khai đúng, kịp thời.

Theo đánh giá của DN, đa số các quy định khả thi với DN, tuy nhiên còn vài điểm chưa phù hợp, ví dụ quy định báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm nay trước ngày 5-1 năm sau, lắp đặt quan trắc tự động nước thải đầu vào lẫn đầu ra. DN không thực hiện thì vi phạm, còn thực hiện rất khó, tốn kém.

Bà LÊ THỊ MINH ÁNH, chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ TN-MT

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới với DN nhưng triết lý xuyên suốt là tiết kiệm tối đa đầu vào, tận dụng sản phẩm thải bỏ để tái sinh, hướng tới sự phát triển bền vững. Tôi cho rằng, hầu hết các DN đều có ý thức tốt về tuân thủ pháp luật về môi trường, vì hơn ai hết làm đúng thì DN được bảo vệ, môi trường sản xuất được bảo vệ và cũng góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Đối với các DN vi phạm bên cạnh thiệt hại về kinh tế còn bị thiệt hại về uy tín, hình ảnh bạn hàng và người tiêu dùng. Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm môi trường đang áp dụng theo các nghị định cũ, Bộ TN-MT đang trình Chính phủ quy định mới về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Ở quy định mới mức phạt cao hơn, ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị công khai thông tin.


 

Tin xem nhiều