Liên minh HTX Đồng Nai đã trải qua 30 năm xây dựng, phát triển và có những đóng góp đáng ghi nhận trong sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể nói riêng và kinh tế Đồng Nai nói chung.
Liên minh HTX Đồng Nai đã trải qua 30 năm xây dựng, phát triển và có những đóng góp đáng ghi nhận trong sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nói riêng và kinh tế Đồng Nai nói chung. Loại hình KTTT, kinh tế HTX đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 442 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và Liên hiệp HTX; có gần 1,2 ngàn tổ hợp tác với trên 48 ngàn thành viên, hoạt động đa dạng trong các ngành, lĩnh vực và phân bố trên hầu hết các địa bàn trong tỉnh.
Trong mỗi giai đoạn, khu vực kinh tế này luôn có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, KTTT mà điển hình là các HTX cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của phát triển, với đầy đủ những khó khăn, thách thức lẫn những thuận lợi cả bên trong lẫn bên ngoài.
Sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, cả nền kinh tế Việt Nam bắt tay vào thực hiện mọi giải pháp để phục hồi và phát triển. Hệ thống HTX cũng không nằm ngoài xu hướng chung, nhiệm vụ chung đã đặt ra. Nếu bất kỳ một doanh nghiệp nào gặp khó khăn về tài chính, về tổ chức bộ máy, về nhân sự, về thị trường... thì các HTX cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự. Thậm chí, khó khăn còn nhiều hơn vì ngay từ đầu các HTX chưa thể chuyển mình trong hoạt động để vận hành trơn tru như một doanh nghiệp thông thường. Trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường là bình đẳng và gần như không có ưu tiên nào cho các HTX nói riêng và KTTT nói chung.
Thậm chí, cần thẳng thắn thừa nhận một thực tế là khu vực kinh tế hợp tác phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều thách thức vẫn đang đặt ra như: tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; phát triển không đồng đều giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Ngoài ra, năng lực nội tại của các HTX nói chung còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng, hoạt động liên kết, hợp tác chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…
Khẳng định điều này để thấy rằng, chìa khóa mạnh nhất để các HTX tồn tại và phát triển tốt chính là tư duy đổi mới, sự linh hoạt trong định hướng, phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu, cạnh tranh cao hiện tại. Trên bàn đàm phán các đơn hàng, trong cuộc cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao..., không có ưu tiên nào cho KTTT. Vậy nên, nhìn nhận rõ những điểm yếu và tìm mọi cách khắc phục (tài chính, nhân sự, vận hành, chất lượng sản phẩm...) vẫn là chìa khóa thành công đối với các HTX nói chung.
Trên thực tế, đã có không ít HTX vận hành hiệu quả, liên kết nông dân chặt chẽ, có sản phẩm xuất khẩu, có lợi nhuận..., nhưng trên thực tế con số này chưa cao. Do đó, trong giai đoạn mới, chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phù hợp với xu thế cạnh tranh, phát triển mới là con đường bền vững. Thêm vào đó, chính sách phải là bệ đỡ hiệu quả để hỗ trợ HTX cải thiện các điểm yếu, đối diện thách thức và nâng cao tính cạnh tranh. Có như vậy, mô hình kinh tế đặc biệt và giàu ý nghĩa này mới có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững nhất.
Vi Lâm