Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai quyết tâm tăng năng lực cạnh tranh

08:05, 17/05/2022

Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp đầu tàu của cả nước và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Thế nhưng có một thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều chỉ số đánh giá chưa tương xứng với vị trí của tỉnh...

Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp đầu tàu của cả nước và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Nhưng có một thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều chỉ số đánh giá cấp tỉnh như: năng lực cạnh tranh (PCI), cải cách hành chính (PAR-INDEX) và hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) chưa tương xứng với vị trí của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan Nhà máy kết cấu thép ATAD tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh). Đây là nhà máy kết cấu thép lớn nhất châu Á theo công nghệ xanh, hoạt động hiệu quả nhờ chính sách ưu đãi của tỉnh. Ảnh: Đ.Công
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan Nhà máy kết cấu thép ATAD tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh). Đây là nhà máy kết cấu thép lớn nhất châu Á theo công nghệ xanh, hoạt động hiệu quả nhờ chính sách ưu đãi của tỉnh. Ảnh: Đ.Công

Qua đánh giá các chỉ số nói trên có thể thấy, nếu môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được cải thiện tốt hơn nữa thì Đồng Nai có thể khai thác tốt tiềm năng và lợi thế sẵn có. Việc cải thiện các chỉ số này càng có ý nghĩa quan trọng khi một loạt dự án lớn đang được triển khai, sớm đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh.

* Tìm lại vị trí xứng tầm

Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố hằng năm do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện được đánh giá là “thước đo” quan trọng. Kết quả đánh giá PCI hằng năm thể hiện sự năng động, hấp dẫn của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương. Các nhà đầu tư có thể coi kết quả đánh giá PCI hằng năm là kênh tham khảo quan trọng để lựa chọn địa điểm đầu tư bên cạnh nhiều yếu tố khác.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN: Thường xuyên gặp gỡ đối thoại với DN

Năm 2022 phải hạn chế khó khăn cho người dân và DN bằng giải pháp thường xuyên gặp gỡ đối thoại. Nếu có khó khăn phải tháo gỡ ngay để DN phát triển nhanh và ổn định. Đây là cách thiết thực nhất để giúp DN vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Sự hài lòng và phát triển của DN chính là uy tín và năng lực của tỉnh.

Vào năm 2006, lần đầu tiên VCCI thực hiện khảo sát và công bố chỉ số PCI, Đồng Nai từng lọt vào tốp 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2007-2010, chỉ số PCI của Đồng Nai liên tục giảm từ vị trí thứ 6 xuống vị trí thứ 26. Năm 2011 và 2012 là 2 năm Đồng Nai trở lại tốp 10 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao khi ở vị trí thứ 9. Nhưng vị trí này không thể duy trì được lâu khi từ năm 2013-2016, Đồng Nai thường xuyên ở tốp 34-42. Năm 2021, trước những tác động của đại dịch Covid-19, tuy điểm số PCI có tăng nhưng xếp chung cuộc thì Đồng Nai vẫn ở vị trí thứ 22.

Một chỉ số quan trọng khác là chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX). Năm 2012, lần đầu tiên chỉ số này được công bố, Đồng Nai từng ở vị trí xuất phát không mấy khả quan khi chỉ xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố. Bằng một loạt giải pháp quyết liệt, từ năm 2015-2017, Đồng Nai đã vươn lên vị trí tốp đầu cả nước về xếp hạng PAR-INDEX khi liên tục xếp ở vị trí thứ 3 và 4 (tăng hơn 40 bậc so với năm đầu xếp hạng). Từ năm 2018 đến nay, chỉ số này của tỉnh liên tục xếp ở vị trí từ 20 đến 22/63 tỉnh, thành. Năm 2021 vừa qua, dù có tăng điểm số nhưng xếp hạng chung thì Đồng Nai vẫn tụt 2 bậc so với năm 2020.

* Nhận diện những “điểm nghẽn”

Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (gọi tắt là chỉ số PAPI).

Kết quả công bố cho thấy, trong số 8 tiêu chí được đưa vào khảo sát đo lường của Đồng Nai thì chỉ có 2 tiêu chí có điểm số cao nhất, 1 tiêu chí ở nhóm trung bình cao, 3 tiêu chí ở nhóm trung bình thấp và 2 tiêu chí thấp nhất. Xếp hạng chung cuộc về các chỉ số, Đồng Nai chỉ ở tốp 3, nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp. Điều đáng lưu ý, một số tiêu chí được đưa vào khảo sát đo lường ở cả hai chỉ số PCI và PAPI của Đồng Nai đều cho kết quả khá tương đồng với nhau.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa giám sát các hoạt động giao thông công cộng của thành phố qua camera. Ảnh: Công Nghĩa
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa giám sát các hoạt động giao thông công cộng của thành phố qua camera. Ảnh: Công Nghĩa

Năm 2021, Đồng Nai là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, đây là một trong những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách và kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả đánh giá của nhiều chỉ số thể hiện vị thế của tỉnh so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng có thể thấy, nhiều nội dung đánh giá, đo lường đã thể hiện có sự cải thiện, điều đó cho thấy nỗ lực và quyết tâm của tỉnh trong việc không ngừng cải thiện công tác điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

 Chẳng hạn, trong 8 nội dung khảo sát đánh giá đo lường năm 2021 của chỉ số PAPI năm 2021 thì có một số chỉ số tăng điểm so với năm 2020 như: tính công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị điện tử. Đặc biệt, năm 2021, nội dung khảo sát đo lường về trách nhiệm giải trình với người dân của Đồng Nai đã nâng hạng, từ nhóm điểm trung bình cao lên nhóm cao nhất, trong khi nhóm quản trị điện tử vẫn duy trì được ở nhóm cao nhất được thiết lập từ năm 2020.

Hay trong 10 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số PCI năm 2021 cũng ghi nhận nhiều chỉ số có 6 chỉ số thành phần cải thiện, trong đó có những chỉ số cải thiện đáng kể như: gia nhập thị trường, đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ DN thiết chế pháp lý.

* Kỳ vọng ở sự quyết liệt

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 4 lĩnh vực đột phá trọng tâm. Một trong những lĩnh vực đột phá đặc biệt quan trọng là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng. Phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Tỉnh cũng hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển của cả nước.

Thống kê xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai từ năm 2015 đến nay. Đồ họa: Công Nghĩa
Thống kê xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Nai từ năm 2015 đến nay. Đồ họa: Công Nghĩa

Từ những mục tiêu được xác định, dù gặp rất nhiều khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng Đồng Nai đã có nhiều giải pháp và hành động cụ thể. Những kết quả đạt được bước đầu kỳ vọng sẽ tạo ra được những đột phá lớn, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế của Đồng Nai so với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ và cả nước. Một trong những kết quả cụ thể nhất là trong thời gian qua, Đồng Nai đã quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng để khởi công siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ tại các sở, ngành, địa phương. Một trong những nội dung kiểm tra trọng tâm là thực hiện nền nếp công vụ, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN. Nhiều sở, ngành đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tỷ lệ giải quyết các thủ tục bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Đây được coi là những giải pháp quan trọng tăng cường tính công khai minh bạch, hạn chế tối đa sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.

Đặng Công


Giám đốc Sở KH-ĐT HỒ VĂN HÀ: Tạo đột phá về hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh

Hiện nay, điều kiện về cơ sở hạ tầng của tỉnh đang gặp áp lực rất lớn nên đã hạn chế khả năng thu hút đầu tư phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh đang dồn lực để trong thời gian ngắn nữa sẽ giải quyết tốt, đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn về thu hút đầu tư, vì vậy tỉnh sẽ không ngừng cải thiện về chính sách thu hút, tạo điều kiện cho DN coi Đồng Nai là mảnh đất lành để phát triển kinh doanh. 

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Lấy người dân và DN là trung tâm

Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi từng ngày trong phục vụ người dân và DN, coi đây là trung tâm của sự phát triển. Do đó, cùng với cải thiện về hạ tầng đô thị để thu hút đầu tư kinh doanh, thành phố sẽ đặc biệt coi trọng khâu cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên đối thoại với các thành phần DN để kịp thời nắm bắt những khó khăn, trở ngại, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để không chỉ nâng cao hiệu quả phục vụ mà còn hạn chế tối đa tiêu cực nhũng nhiều, làm tốn kém thời gian và tiền bạc của người dân và DN.

C.N - M.N (ghi)


 

Tin xem nhiều