Báo Đồng Nai điện tử
En

Để phát triển xanh

03:05, 16/05/2022

Ngoài trách nhiệm bắt buộc, hiện pháp luật môi trường còn quy định trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp (DN) nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài trách nhiệm bắt buộc, pháp luật môi trường còn quy định trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp (DN) nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, nhiều DN còn chưa tuân thủ đúng trách nhiệm thì rất khó thực hiện trách nhiệm mở rộng.

Ngành chức năng kiểm tra môi trường xử lý khí thải tại Công ty Cao su Kenda (H.Trảng Bom)
Ngành chức năng kiểm tra môi trường xử lý khí thải tại Công ty Cao su Kenda (H.Trảng Bom). Ảnh: H.LỘC

Phát triển kinh tế xanh không chỉ là trách nhiệm của DN mà đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, người tiêu dùng.

* Thêm trách nhiệm mở rộng

Chia sẻ tại hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hồi tháng 3-2022 vừa qua, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN-MT cho rằng, ngoài trách nhiệm bắt buộc, pháp luật môi trường còn quy định trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Việc thực hiện trách nhiệm mở rộng là khởi đầu cho nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giúp DN vừa có thể tiết kiệm nguyên vật liệu sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội. Theo ông Hùng, DN có thể thực hiện trách nhiệm mở rộng bằng cách thu hồi, tái chế bao bì hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính để cơ quan khác làm việc này.

Mặc dù luật, nghị định có nhiều nội dung, tiêu chí nhưng thực chất phát triển xanh, sản xuất sạch đơn giản là chấp hành đúng quy định bảo vệ môi trường, chủ động cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Những việc làm này xuất phát từ DN và mang lại lợi ích trước hết cho DN. Đạt được điều này, DN sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, có điều kiện thực hiện trách nhiệm mở rộng.

Ông Ngô Văn Hải, Trưởng phòng HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường) Công ty TNHH H.S Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho rằng, DN luôn tìm mọi cách kể cả phát động công nhân sáng kiến, cải tiến nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu tốn điện, nước. Tuy nhiên, 2 năm nay DN phải đối mặt với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Thêm vào đó các chi phí tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất tăng khiến cho việc thực hiện các giải pháp về môi trường không được như trước. Ông Hải cho rằng, DN chưa tiếp cận được nguồn vốn để phát triển xanh.

Đại diện Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam cho rằng, công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ RO, nước thải sau khi xử lý có thể uống được. Tuy nhiên, luật mới cho phép tái sử dụng nước thải cho mục đích làm mát, không được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tưới cây. Điều này vừa lãng phí nguồn nước vừa không phù hợp với vấn đề tuần hoàn nước trong sản xuất. Công ty đã kiến nghị nội dung này nhưng ngành TN-MT, nông nghiệp cho rằng chưa có quy định.

* Cần chính sách đồng bộ, nhất quán

Trên thực tế hiện nay, nhiều DN chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cải thiện năng suất, tiết kiệm tài nguyên và giảm tiêu hao năng lượng vì lợi ích kinh tế của DN. Để đạt được tiêu chí sản xuất xanh, sạch DN cần chính sách đồng bộ, nhất quán và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng xanh, bên cạnh đó là một thị trường tiêu dùng xanh để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái KCN Amata. Mô hình này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh. Trước mắt, cơ quan chức năng hỗ trợ một số DN đánh giá, kiểm toán để đưa ra các giải pháp, lộ trình thực hiện tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, nước; kết nối để hình thành mô hình cộng sinh công nghiệp giữa các DN. Ngoài ra, tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ vốn cho các cụm công nghiệp, DN đầu tư hạ tầng môi trường; ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư đổi mới công nghệ.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, nhiều năm qua, Đồng Nai thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm hạn chế dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư nhiều trạm quan trắc nhằm kiểm soát và giám sát việc tuân thủ pháp luật môi trường của nhà đầu tư. Định kỳ và đột xuất, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh đi kiểm tra hoạt động xử lý chất thải công nghiệp, nước thải, khí thải của KCN và DN trong khu.

Tại hội thảo về chuyển đổi xanh tại các KCN tỉnh Đồng Nai cuối năm qua, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, chuyển đổi xanh ở các KCN đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Việc các KCN, DN gia nhập xu hướng này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu, xóa bỏ rào cản kỹ thuật môi trường trong xuất khẩu. Ngoài ra, DN chuyển đổi xanh còn có cơ hội thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều