Trong một "thế giới phẳng" thời toàn cầu hóa như hiện nay, không một quốc gia, không một công dân nào có thể hoàn toàn đứng ngoài sức ảnh hưởng của không gian mạng.
Trong một “thế giới phẳng” thời toàn cầu hóa như hiện nay, không một quốc gia, không một công dân nào có thể hoàn toàn đứng ngoài sức ảnh hưởng của không gian mạng.
Mọi người có thể kết nối với nhau, mở rộng tri thức, tìm kiếm thu nhập, thực hành các hoạt động giải trí… thông qua internet. Từ đó, hình thành nên một mạng xã hội (MXH) trên không gian ảo, có đầy đủ những mặt tích cực nêu trên, song đồng thời đi kèm với đó là nhiều vấn đề tiêu cực và hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống - xã hội.
Có thể kể đến những vi phạm phổ biến trên MXH trong thời gian qua như: tình trạng lợi dụng các nền tảng số để có những hoạt động phi pháp gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tập thể; tình trạng người dùng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng; hay sự xuất hiện những dòng trạng thái hoặc đưa hình ảnh, clip phản cảm lên mạng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của một bộ phận thế hệ trẻ; lợi dụng MXH để trao đổi, giao dịch, mua bán hàng cấm… Thực trạng trên đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên không gian mạng.
Thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật cụ thể liên quan đến phát triển nền tảng số. Theo đó, để ứng xử chuẩn mực trên không gian mạng, người dân căn cứ vào các quy định như: Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng do Bộ TT-TT ban hành; các quy định của Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng…
Như vậy, hành lang pháp lý đã có, vấn đề còn lại là việc người dân tuân thủ, chấp hành như thế nào các quy định pháp luật trên không gian mạng. Ngoài việc nâng cao ý thức của người dân trong việc thực thi pháp luật thì các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn vi phạm trên không gian số, hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trong bối cảnh Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc khai thác tốt các hiệu quả của internet, từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trên không gian mạng sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Khi xây dựng được môi trường số phát triển lành mạnh, đối tượng hưởng thụ chính là mỗi người dân...
Lâm Viên