Báo Đồng Nai điện tử
En

Ô nhiễm nguồn nước ở các vùng nuôi thủy sản

03:04, 02/04/2022

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt mới đây của Sở TN-MT cho thấy, hầu hết khu vực nuôi thủy sản trên sông, hồ trong tỉnh đều bị ô nhiễm nguồn nước, gây tác động trực tiếp đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản và chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

[links()]Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt mới đây của Sở TN-MT cho thấy, hầu hết khu vực nuôi thủy sản trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ tác động trực tiếp đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản mà tình trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy cấp cho sinh hoạt.

Làng cá bè Ba Xê, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa 13 Ảnh: Ban Mai - Đồ họa: Hải Quân
Làng cá bè Ba Xê, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa 13. Ảnh: Ban Mai - Đồ họa: Hải Quân

Sắp vào mùa mưa, thời điểm dễ diễn ra tình trạng cá chết hàng loạt, do đó phải sớm chặn đà ô nhiễm ở các vùng nuôi thủy sản để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường sống của thủy sản.

* Tất cả khu vực nuôi thủy sản đều bị ô nhiễm

Thông tin mới công bố của Sở TN-MT khiến nhiều người quan ngại, tất cả các khu vực nuôi thủy sản trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, khu vực làng nuôi cá bè trên sông La Ngà (H.Định Quán) có mức độ ô nhiễm cao nhất. Tại thời điểm quan trắc vị trí cầu số 1 có 6/17 thông số vượt quy chuẩn quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt của Bộ TN-MT. Cụ thể, các thông số: COD vượt 2,3 lần; BOD5 vượt 1,5 lần; Amoni vượt 4,6 lần; Nitrit vượt 1,9 lần; E.Coli vượt 4,6 lần; Fe vượt 2,3 lần.

Khu vực nuôi cá bè P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa
Khu vực nuôi cá bè P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa

Khu vực làng cá bè Ba Xê (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hoà) vào thời điểm quan trắc có 6/17 thông số vượt so với quy chuẩn từ 1,1-1,4 lần là: Fe, Amoni, Nitrit, COD, Coliform, đặc biệt có vi sinh E.Coli vượt đến 34 lần. Làng cá bè Tân Mai (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có 4/17 thông số vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,6 lần. Khu vực nuôi hàu trên sông Bà Hào (H.Nhơn Trạch) có 4 thông số vượt quy chuẩn; khu vực dự án nuôi tôm tại Rạch Tràm (H.Nhơn Trạch) có 6 thông số vượt quy chuẩn…

Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) thông tin, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt đầu mùa mưa (các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2022) cho thấy, chất lượng nước mặt tại các sông, suối (không có nuôi thủy sản), nước mặt tại khu vực cấp nước sinh hoạt cơ bản đạt, chỉ 1-2 thông số chưa đạt.

Riêng chất lượng nước mặt tại các khu vực nuôi thủy sản đều có các thông số vượt quy chuẩn. Nguyên nhân do trong quá trình nuôi thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, mật độ lồng bè quá dày vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.

* Nhiều nguyên nhân cộng sinh gây ô nhiễm

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tống Văn Sỹ (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho rằng, nguồn nước khu vực nuôi cá bè thuộc P.Hiệp Hòa ô nhiễm do nhiều yếu tố cộng sinh. Đó là, chất thải của cá; chất thải sinh hoạt của các hộ dân; rác và nước thải sinh hoạt từ các suối trong thành phố chảy ra sông, đọng lại ở các lồng, bè; một số bè nuôi quy mô nhỏ sử dụng nguồn thức ăn không đảm bảo.

Ông Tống Văn Sỹ, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho cá ăn
Ông Tống Văn Sỹ, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho cá ăn

Ông Nguyễn Văn Tính (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) có 4 lồng nuôi cá điêu hồng trên sông La Ngà. Thức ăn cho cá là cám công nghiệp, được rải trực tiếp xuống lồng. “Tôi cho rằng, nếu cho cá ăn cám thì không ô nhiễm vì giá cám đắt, không ai rải nhiều. Trường hợp cám tan, lọt lưới đã có cá ngoài sông ăn. Ô nhiễm ở đây là do chất thải của cá và chất thải của con người. Chất thải của cá thì không có bè nào xử lý được vì loại này nhỏ, nước chảy thường xuyên. Chất thải sinh hoạt (nước và rác), cá chết đa phần vứt ra sông” - ông Tính nói.

Còn tại làng cá bè Ba Xê, ông Đào Văn Xuyến chia sẻ, phần lớn các hộ nuôi cá khu vực này chỉ cho ăn cám trong giai đoạn cá nhỏ. Khi cá được khoảng 3 tháng thì chuyển sang các loại thức ăn rẻ tiền hơn, đó là cơm thừa ở các công ty, lòng gà vịt, cá nhỏ đánh bắt ngoài sông. Hơn 80 hộ sinh sống ở làng bè nhưng không có ai đi thu gom chất thải. “Thức ăn cá không đảm bảo, nhưng cám đắt quá nên người nuôi cũng không cho ăn nhiều; rác và chất thải thải ra sông ai cũng biết gây ô nhiễm, nhưng có người nào đi thu gom đâu” - ông Xuyến nói.

Hiện trạng bè cá tại 3 vùng nuôi thủy sản lớn trên sông trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Hiện trạng bè cá tại 3 vùng nuôi thủy sản lớn trên sông trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt ở khu vực nuôi thủy sản là tình trạng sử dụng chất thải từ các lò giết mổ (nội tạng heo, ruột gà vịt, ruột cá) làm thức ăn. Năm 2021, thành phố kiểm tra và bắt quả tang trường hợp vận chuyển 2,5 tấn nội tạng động vật làm thức ăn cho cá, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều