Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn vi phạm trên không gian số

04:04, 05/04/2022

Thời gian gần đây, khi các nền tảng mạng xã hội (MXH) phát triển rầm rộ, ngoài sự tiện ích, tiện dụng thì tình trạng lợi dụng các nền tảng số để có những hoạt động phi pháp gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tập thể cũng diễn ra khá phổ biến.

Thời gian gần đây, khi các nền tảng mạng xã hội (MXH) phát triển rầm rộ, ngoài sự tiện ích, tiện dụng thì tình trạng lợi dụng các nền tảng số để có những hoạt động phi pháp gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tập thể cũng diễn ra khá phổ biến.

Một số trang mạng xã hội thường đưa thông tin cá nhân, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác nhưng chưa được kiểm chứng. Ảnh chụp màn hình
Một số trang mạng xã hội thường đưa thông tin cá nhân, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác nhưng chưa được kiểm chứng. Ảnh chụp màn hình

* Nhiều kiểu vi phạm

Một trong số vi phạm phổ biến hiện nay trên MXH Facebook, TikTok, YouTube… là việc người dùng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng.

Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) để điều tra hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là một dẫn chứng. Bà Hằng bị bắt vì thường xuyên thực hiện các buổi livestream trên MXH (Facebook, YouTube, TikTok…) phát tán thông tin chưa kiểm chứng, phát ngôn nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ngoài bà Hằng, cơ quan chức năng cũng đang triệu tập nhiều youtuber, facebooker, tiktoker, những người được cho là nhân viên, trợ lý tham gia thực hiện các buổi livestream của bà Hằng, phát tán các video có phát ngôn không đúng sự thật, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan để điều tra, xử lý.

Một lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cho biết, thời gian vừa qua, trên không gian mạng xuất hiện một số tài khoản MXH hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số địa phương chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc xử lý khiến cho các hoạt động vi phạm pháp luật này gây tác động tiêu cực đến xã hội. Theo vị cán bộ lãnh đạo này, hành vi này nếu không được xử lý sớm, xử lý triệt để sẽ gây những hệ lụy cho xã hội. Trong đó, vi phạm của các cá nhân này không chỉ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức mà còn làm ảnh hưởng đến xã hội nói chung.

Không riêng gì vụ việc bà Hằng, thời gian qua, tình trạng sử dụng các công cụ MXH để “bóc phốt” và chửi nhau diễn ra nhan nhản trên các nền tảng MXH. Cựu người mẫu T. cũng gây sốc với những livestream chửi trên mạng. Dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính nhưng người này vẫn thường xuyên dùng từ ngữ chưa chuẩn khi livestream.

Để “câu view”, tạo sự chú ý, nhiều người còn cố tình tạo ra những đề tài gây tranh cãi, những phát ngôn gây sốc nhằm kéo lượt tương tác, phục vụ mục đích cá nhân hoặc để bán hàng online. Có người không ngại đăng những dòng trạng thái hoặc đưa hình ảnh phản cảm lên mạng. Đáng ngại là những thông tin, video nhảm nhí lại thường thu hút đông người xem. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống và phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống, thậm chí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách nếu đối tượng xem là trẻ nhỏ.

Chiêu trò “câu view” bằng cách tạo “phốt” cho người khác cũng đang là “mốt” phổ biến của cư dân mạng. Đối tượng được nhắm đến thường là người nổi tiếng. Mới đây, khi loạt ảnh ca sĩ H.H chụp cùng một người đàn ông lớn tuổi bị ai đó đăng tải trên mạng, ngay lập tức có rất nhiều trang chia sẻ, cắt ghép tạo thành những video đăng lên YouTube, các trang MXH khác...

Theo quy định pháp luật thì việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, trên MXH Facebook xuất hiện nhiều hội, nhóm thành lập theo hình thức nhóm kín hoặc công khai. Bên cạnh một số nhóm có tác dụng tích cực như: trao đổi công việc, học tập, tâm sự, kêu gọi làm thiện nguyện... thì không ít nhóm lại trở thành nơi quy tụ của tội phạm và tệ nạn xã hội. Gần đây, Công an TP.Hà Nội đã bắt 3 đối tượng quen nhau thông qua hội nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook rồi rủ nhau đi cướp.

* Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội

Theo phân tích của các chuyên gia tội phạm, một số hội, nhóm trên MXH hình thành theo kiểu tập hợp những người không có nghề nghiệp ổn định, nợ nần nhưng không có khả năng chi trả nên nảy sinh ý định “làm liều” như trên thì rất nguy hiểm. Con người chịu tác động bởi hiệu ứng tâm lý đám đông, khi muốn thực hiện hành vi phạm tội, một người sẽ có tâm lý sợ hãi, nhưng khi có nhiều người cổ vũ thì người này sẽ là chỗ dựa tinh thần cho người khác hình thành phạm tội có tổ chức, có đồng phạm, dẫn đến quyết tâm thực hiện cho bằng được hành vi phạm pháp.

Mạng ảo, hậu quả thật

Ông VÕ THÀNH SƠN (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho rằng, việc người dùng MXH đưa những thông tin sai sự thật, những thông tin chưa được kiểm chứng lên các nền tảng mạng như: Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với xã hội mà còn vi phạm quy định của pháp luật. MXH là ảo, nhưng tác hại của các thông tin giả, những hình ảnh phản cảm… là thật. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi thông tin sai sự thật trên MXH.

Một thực tế cho thấy, các nền tảng MXH phát triển đã tạo ra những kênh thông tin để người dân sử dụng vào các hoạt động kinh doanh, quảng bá hình ảnh, sản phẩm cho cá nhân, doanh nghiệp. Các kênh thông tin này đã và đang dần thay thế các hình thức quảng bá truyền thống. Tuy nhiên, cũng chính sự tiện lợi của công nghệ số đã khiến nhiều người “gặp chuyện” khi sử dụng các nền tảng số không đúng quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác.

Thực tế này đã và đang đặt ra những vấn đề pháp lý cho chính cơ quan chức năng cũng như những người sử dụng nền tảng số để thực hiện các hoạt động liên quan.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, ma túy Viện KSND tỉnh Phạm Văn Chìu cho biết, thời gian qua, trên các trang MXH xảy ra các vụ việc tiêu cực, gây tác động xấu đến trật tự, trị an. Đặc biệt, gần đây một số tài khoản MXH đã lợi dụng để nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác gây ra những bức xúc trong đời sống xã hội. Thực tế này đã gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh), thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số cá nhân có hành vi lợi dụng các trang MXH để có những phát ngôn vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhằm “câu like”… để kiếm tiền hoặc chỉ để thỏa mãn mâu thuẫn cá nhân. Đây là thực trạng hết sức nguy hiểm và có sức lan tỏa rộng, công khai, thiếu kiểm chứng và kiểm soát, gây lệch chuẩn về nhận thức, hành vi ứng xử, đi ngược lại truyền thống văn hóa Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm pháp luật công khai cần phải xử lý.

Trần Danh - Kim Liễu

 

Tin xem nhiều