Tháng 5-2019, khoảng 1 ngàn tấn cá bè trên sông La Ngà bị chết khi những cơn mưa đầu mùa ập đến. Người nuôi cá thiệt hại nặng nề, nhiều người ôm nợ vì phải gánh chi phí thức ăn, con giống mà không có nguồn chi trả.
Tháng 5-2019, khoảng 1 ngàn tấn cá bè trên sông La Ngà bị chết khi những cơn mưa đầu mùa ập đến. Người nuôi cá thiệt hại nặng nề, nhiều người ôm nợ vì phải gánh chi phí thức ăn, con giống mà không có nguồn chi trả. Trên thực tế, tình trạng cá nuôi trên các lồng, bè bị chết vào đầu mùa mưa đã xảy ra nhiều lần trong nhiều năm nay với số lượng tuy có khác nhau nhưng nguyên nhân thì khá giống: mật độ nuôi quá dày, nước sông/hồ tồn đọng nhiều chất thải các loại nên khi thay đổi thời tiết, cá không đủ không gian và oxy để thở dẫn đến chết hàng loạt.
Sau sự cố cá chết năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An. Đồng thời, giao Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư đề án. Mục đích của đề án nhằm sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An cho phù hợp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm cục bộ, vừa đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tránh trường hợp xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian qua.
Mấy năm gần đây, đối với khu vực nuôi cá lồng, bè dày đặc trên sông Cái, TP.Biên Hòa cũng đang thực hiện di dời, sắp xếp các bè, đồng thời xây dựng đề án hỗ trợ chi phí và chuyển đổi nghề nghiệp để các hộ thực hiện ngưng nuôi cá bè trên sông.
Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo số liệu báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đến nay mới có 39/174 hộ thực hiện di dời bè cá từ sông La Ngà về khu quy hoạch ở hồ Trị An. 174 hộ này nằm trong diện bắt buộc phải thực hiện di dời để đảm bảo an toàn thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua 2 đợt tuyên truyền, vận động, chỉ mới có 39 hộ di dời về vùng nuôi mới, 135 hộ chưa thực hiện di dời theo quy định.
Còn theo báo cáo của UBND TP.Biên Hòa, đoạn sông Cái qua TP.Biên Hòa hiện có 2 khu vực nuôi thủy sản với 273 hộ, hơn 470 bè và hơn 900 lồng cá, vượt xa số lượng quy hoạch, là nguyên nhân dẫn đến mật độ nuôi không đảm bảo, ảnh hưởng môi trường sinh sống của thủy sản, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và cảnh quan.
Với những gì đã và đang xảy ra, về lâu dài, việc sắp xếp, di dời hoạt động nuôi cá đến nơi phù hợp dưới sự quản lý của cơ quan chức năng là cần thiết, nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và cả tài sản, tính mạng của người nuôi. Vậy nên, dù người dân có cam kết tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro, vẫn cần có sự thuyết phục, có lộ trình và thực hiện di dời vì lợi ích chung. Các chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ việc di dời cũng cần hướng đến sinh kế của người nuôi cá, bởi chính yếu tố đó mới là gốc rễ để thực hiện di dời, sắp xếp, quy hoạch lại các khu vực nuôi thủy sản trên toàn tỉnh một cách lâu dài, bền vững và đồng thuận.
Vi Lâm