Báo Đồng Nai điện tử
En

Để các dự án hoàn thành đúng tiến độ

03:04, 06/04/2022

Đồng Nai quy hoạch gần 8 ngàn công trình, dự án trên nhiều lĩnh vực cho giai đoạn từ năm 2021-2030. Hầu hết các dự án liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư...

Đồng Nai quy hoạch gần 8 ngàn công trình, dự án trên nhiều lĩnh vực cho giai đoạn từ năm 2021-2030. Hầu hết các dự án liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Vì thế, để các dự án triển khai đúng lộ trình, Chính phủ, tỉnh cần phải có những sửa đổi, bổ sung chính sách kịp thời.

Dự án Đường ven sông Cái quy hoạch gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành
Dự án Đường ven sông Cái quy hoạch gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: UYỂN NHI

Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, mỗi địa phương sẽ triển khai 500-700 dự án. Các lĩnh vực quy hoạch nhiều dự án là: đường giao thông, khu dân cư, thương mại dịch vụ.

* Cần tăng tốc hơn nữa

Trong thực hiện các dự án, không riêng Đồng Nai mà hầu hết các tỉnh, thành đều gặp phải những vướng mắc liên quan đến chính sách. Tuy nhiên, địa phương nào đưa ra được những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời thì sẽ rút ngắn được thời gian cho nhiều dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh ĐỖ CHÁNH QUANG cho biết, có nhiều dự án trên địa thành phố chưa thực hiện được kế hoạch sử dụng đất hàng năm và danh mục phê duyệt thu hồi đất của HĐND tỉnh là do vướng về chính sách liên quan đến các luật, bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa bố trí được vốn. Do những vướng mắc trên nên thời gian qua, TP.Long Khánh đã hủy khoảng 60 dự án.

Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng, nếu hoàn thành đúng thời gian quy định và đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giám đốc Sở TN- MT Đặng Minh Đức cho hay: “Trước đây, các dự án do các địa phương thực hiện chỉ đạt hơn 30% so với kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Nhưng gần đây, tỷ lệ dự án thực hiện được đã nâng dần lên khoảng 70%. Đây chính là nỗ lực của các địa phương trong việc phối hợp với các sở, ngành đưa các dự án có đủ khả năng thực hiện vào danh mục, một số vướng mắc đã tháo gỡ kịp thời”.

Thế nhưng, theo ông Đức, vẫn còn nhiều dự án vướng chính sách liên quan rất nhiều đến Luật Đất đai năm 2013 và UBND tỉnh đã đề xuất với Bộ TN-MT sớm bổ sung, chỉnh sửa để gỡ khó cho nhà đầu tư.

Ngoài vướng mắc về chính sách thì vấn đề khiến nhiều dự án của Đồng Nai chậm tiến độ là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, mỗi năm các địa phương phải tiến hành thu hồi đất cho hơn 100 dự án, đất bị thu hồi đa số của các hộ gia đình, cá nhân nên quá trình thực hiện khâu này thường kéo dài từ 3-6 năm.

* Đề xuất phân quyền cho địa phương

Đồng Nai là nơi thực hiện cùng lúc nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nên hay phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được quy định rõ cách thức thực hiện trong luật, thông tư hướng dẫn… Vì thế, nhiều dự án buộc phải đợi hướng dẫn từ các bộ, ngành, Chính phủ trong thời gian dài.

Cụ thể, hơn 1 năm nay, hơn 100 dự án khu dân cư, đô thị thương mại, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đang đợi hướng dẫn từ Bộ KH-ĐT trong thực hiện chuyển tiếp Luật Đầu tư năm 2020. Đặc biệt, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã có chủ trương thực hiện hơn 10 năm, nhưng hiện vẫn dừng khâu hoàn tất hồ sơ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “Luật Đầu tư năm 2020 quy định rõ và cụ thể hơn, dự án muốn triển khai có thể đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất, song đó là với dự án mới. Còn những dự án trước đây đang thực hiện theo Luật Đầu tư cũ phải chuyển tiếp lại gặp khó khăn. Trong quá trình thực hiện các dự án luôn xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các luật, rất khó cho việc áp dụng nên dự án buộc dừng lại đợi các bộ, ngành, Chính phủ xử lý nên mất rất nhiều thời gian”.

Do đó, theo ông Hà, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác đã đề xuất Chính phủ phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong giải quyết những vướng mắc của dự án để giảm thời gian chờ đợi, đi lại cho nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tỉnh, thành cho rằng, việc phân cấp, phân quyền là một trong những giải pháp có thể thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công cho các công trình, dự án.  

Theo ông NGUYỄN HỒNG QUẾ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ thực hiện rất nhiều dự án quan trọng của quốc gia, vùng, tỉnh nên những vướng mắc liên quan đến các luật, nhất là Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2020 không được chỉnh sửa, bổ sung, hướng dẫn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của hàng loạt dự án. Trong đó có những dự án được xác định tạo đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh, vùng.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều