Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sửa luật, "gỡ vướng" cho nhiều dự án

03:04, 06/04/2022

Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, nhưng những năm qua, số dự án hoàn thành trong kỳ quy hoạch chỉ đạt hơn 50%, trong đó có nguyên nhân do vướng mắc liên quan đến một số quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Nhưng những năm qua, số dự án hoàn thành trong kỳ quy hoạch chỉ đạt hơn 50%. Số dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chính vẫn là do vướng mắc liên quan đến một số quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Số lượng các dự án đã hoàn thành thu hồi đất, đang triển khai thu hồi đất và chưa triển khai thu hồi đất trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2021(Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Số lượng các dự án đã hoàn thành thu hồi đất, đang triển khai thu hồi đất và chưa triển khai thu hồi đất trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo UBND tỉnh, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2020, Đồng Nai phải thu hồi đất của hơn 1.980 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi gần 14,6 ngàn ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, mới có hơn 800 dự án hoàn thành thu hồi đất, gần 450 dự án đang triển khai công tác thu hồi đất và hơn 700 dự án chưa triển khai.

* Những nút thắt cần tháo gỡ

Sau một thời gian đưa vào thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều điểm không còn phù hợp với quá trình phát triển của nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đồng Nai. Do vướng một số quy định của Luật Đất đai nên nhiều dự án của Đồng Nai đã bị chậm tiến độ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết: “Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trên các lĩnh vực. Thời gian qua, do vướng Luật Đất đai nên nhiều dự án trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng tiến độ triển khai”.

Trong các cuộc họp trực tuyến với Chính phủ thời gian qua, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể với các dự án chuyển tiếp trước đây đã thực hiện dở dang theo Luật Đầu tư cũ. Đồng thời, phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc cấp chủ trương đầu tư các dự án để rút ngắn thời gian, chi phí đi lại làm hồ sơ, thủ tục.

Đơn cử các vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 như: các dự án liên quan đến miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai còn kéo dài; nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện còn khó khăn do chưa có cơ chế xử lý đối với các trường hợp chưa thỏa thuận được. Một số nội dung của Luật Đất đai chưa đồng bộ với quy định của các luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…

Từ tháng 1-2021, Luật Đầu tư có hiệu lực cũng có nhiều điểm thay đổi khiến nhiều dự án tại Đồng Nai bị “ách” lại do phải thay đổi, bổ sung các thủ tục cho phù hợp.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A Nguyễn Thành Đạt cho hay: “Các dự án khu dân cư thương mại tại Đồng Nai đều là chuyển tiếp từ những năm trước qua nên đang thực hiện theo Luật Đầu tư cũ. Từ năm 2021, chuyển qua thực hiện theo Luật Đầu tư mới, hầu hết dự án đều bị ách lại, chờ hướng dẫn việc chuyển tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ”. Cũng theo ông Đạt, công ty đang triển khai dự án Khu dân cư Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Khu đô thị Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) theo Luật Đầu tư cũ, nhưng từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư mới có hiệu lực nên hồ sơ phải dừng lại và doanh nghiệp đang băn khoăn là dự án sẽ đưa ra đấu thầu hay đấu giá.

Tương tự, nhiều dự án trên các lĩnh vực khác cũng đang trong quá trình chờ đợi hướng dẫn để bổ sung lại hồ sơ cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020. 

* Nhiều dự án bị chậm

Trong hơn 1,5 ngàn dự án được phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, có đến hơn 70% dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư công, dự án vốn ngoài ngân sách của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một dự án khu dân cư thương mại ở H.Nhơn Trạch đang bị ách lại, đợi bổ sung hoàn thành thủ tục đầu tư
Một dự án khu dân cư thương mại ở H.Nhơn Trạch đang bị ách lại, đợi bổ sung hoàn thành thủ tục đầu tư. Ảnh: KHÁNH MINH

Đơn cử, trên địa bàn tỉnh đang tiến hành mở rộng đầu tư mới hơn 10 khu công nghiệp, nhưng do còn vướng một số quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2020 sẽ khiến dự án chậm lại vài năm. Theo quy định của Trung ương, dự án quá 3 năm không triển khai sẽ bị hủy hoặc thu hồi, gây áp lực cho nhà đầu tư. Theo Luật Đầu tư năm 2020, những dự án xây dựng nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị do Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, nhiều dự án mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ là do thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục kéo dài. 2 luật có ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án là Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2020. Hiện tại, 2 luật này chưa có sự thống nhất trong quyết định chủ trương thực hiện dự án (với dự án ngoài ngân sách).

Đơn cử, với dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Điểm a, Khoản 3, Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 quy định nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư phải đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Thế nhưng, đến nay quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh chưa được phê duyệt. Đồng thời, trong quy định này, không rõ quyết định chủ trương đầu tư trước, sau đó mới phê duyệt hồ sơ dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, hay dự án phải có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện do UBND tỉnh phê duyệt thì mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án quan trọng bị kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc một số quy định, như: dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, dự án Mở rộng Khu công nghiệp Định Quán, dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ, dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1…                                                        

Khánh Minh

Tin xem nhiều