Thời gian qua, ngành dịch vụ, bán lẻ liên tục trải qua những "con sóng" lớn trong bối cảnh hội nhập, cũng như chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Thời gian qua, ngành dịch vụ, bán lẻ liên tục trải qua những “con sóng” lớn trong bối cảnh hội nhập, cũng như chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, hoạt động thương mại điện tử, chuyển phát, giao nhận hàng hóa… là những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh, hàm lượng đầu tư đổi mới về công nghệ, hạ tầng lớn. Từ đó, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, tiệm cận các xu hướng thương mại hiện đại của thế giới...
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, mức độ cạnh tranh với các công ty, tập đoàn lớn từ nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ nói riêng ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Thị trường bán lẻ hiện nay, nhất là hoạt động thương mại điện tử đang là “miếng bánh lớn” mà nhiều DN muốn chiếm được thị phần, lợi thế cho riêng mình. Với tiềm lực về nguồn vốn, nhân sự và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia sẽ có nhiều ưu thế để cạnh tranh, phát triển thương hiệu trong lĩnh vực này.
Do đó, muốn phát triển, chiếm lĩnh được thị phần, đòi hỏi các DN bán lẻ, dịch vụ trong nước phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, nỗ lực vượt những “con sóng” lớn hơn để nắm lấy những cơ hội lớn hơn ngay trên “sân nhà”, thay vì chỉ giới hạn mình trong khuôn khổ hay hô hào đổi mới công nghệ một cách nửa vời.
Đối với Đồng Nai, với những lợi thế và tiềm năng phát triển, trong những năm qua, tỉnh được đánh giá là địa phương năng động trong lĩnh vực thương mại, có nhiều chuyển biến về chuyển đổi số, hạ tầng cho ngành dịch vụ, bán lẻ. Tuy nhiên, tốc độ phát triển trong nhiều lĩnh vực như: thương mại điện tử, logistics, giao nhận hàng hóa… ở Đồng Nai vẫn còn có độ vênh khá lớn về quy mô và công nghệ so với các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Do đó, để rút ngắn về khoảng cách phát triển, cần lắm sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng DN trên địa bàn. Trong đó, cần tính phương án, xây dựng kế hoạch đường dài để phát triển, đón đầu những làn sóng đầu tư, xu hướng công nghệ mới một cách chủ động, linh hoạt. Đồng thời, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm tuần hoàn, bền vững, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao thương hiệu cho hàng hóa địa phương trong tình hình mới.
Cơ hội luôn dành cho những DN dám thay đổi, tự tin làm chủ công nghệ để hội nhập. Muốn vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hạ tầng, mở rộng mạng lưới kết nối dịch vụ, cập nhật những ứng dụng công nghệ mới thì vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng, cần được các DN quan tâm, chú trọng để tạo ra sự phát triển đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh cạnh tranh, đổi mới sáng tạo như hiện nay.
Vi Lâm