Đến cuối tháng 2-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Sự "hụt hơi" ngay từ đầu năm khiến cho "kịch bản" nguồn vốn đầu tư công được giải ngân ở mức thấp có thể tái diễn.
Đến cuối tháng 2-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Sự “hụt hơi” ngay từ đầu năm khiến cho “kịch bản” nguồn vốn đầu tư công được giải ngân ở mức thấp có thể tái diễn.
Dự án Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) hiện vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phạm Tùng |
* “Hụt hơi” ngay từ đầu năm
Theo Sở KH-ĐT, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh là hơn 9,4 ngàn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2-2022, nguồn vốn đã được giải ngân là hơn 496 tỷ đồng, đạt hơn 5,2% kế hoạch.
Ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho rằng, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 2-2022 đang đạt thấp. Bởi, cùng thời điểm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước đang ở mức hơn 8,61% so với kế hoạch.
Năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai có 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt dưới 90% kế hoạch được giao. Đặc biệt, có 4 đơn vị có kết quả giải ngân bằng 0. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đến thời điểm hiện nay vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch vốn đã bố trí trong năm. “Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 sẽ lặp lại kết quả như năm 2021” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 90% trở lên đối với tổng nguồn vốn đầu tư công hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Mặc dù vậy, kết quả cuối cùng mà tỉnh đạt được trong công tác giải ngân vốn đầu tư công chỉ ở mức hơn 61% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều mục tiêu đề ra.
Hàng loạt nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 đạt thấp đã được chỉ ra, trong đó có các nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng cao, 2 dự án thành phần thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tạm ngưng thực hiện…
Đồng Nai sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay đối với các đơn vị chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công Trong ảnh: Thi công công trình cầu Vàm Cái Sứt (TP.Biên Hòa). Ảnh: PHẠM TÙNG |
Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2021 đạt thấp cũng đã được UBND tỉnh chỉ rõ chủ yếu đến từ các nguyên nhân chủ quan.
“Nút thắt” lớn nhất khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp trong năm 2021 chính là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, trong 3 nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công gồm: công tác giải phóng mặt bằng, bất cập chính sách và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.
Ông PHAN TRUNG HƯNG HÀ, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho biết, trên địa bàn tỉnh có tình trạng một nhà thầu trúng thầu rất nhiều gói thầu ở các địa phương. Do trúng nhiều gói thầu trong lúc năng lực lại không đáp ứng việc bố trí nhân lực, máy móc cho tất cả các gói thầu khiến tiến độ bị chậm, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn. |
Đồng thuận với nhận định này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Từ đó, gây khó khăn cho công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công. “Đa số các dự án đều gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhìn nhận.
Bên cạnh “điểm nghẽn” về công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế về năng lực của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng trong công tác thẩm định hồ sơ cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân “níu” tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, tình trạng “trả đi trả lại” hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến.
Cùng với đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, thực tế quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2021 trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, nhiều chủ đầu tư còn hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành. Người đứng đầu các cơ quan còn thiếu quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chậm xây dựng đường gantt công việc để theo dõi bám sát.
* “Thúc” tiến độ giải ngân
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng như tình hình thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội, việc tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp trụ cột để tăng trưởng về kinh tế của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 2-2022 đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Trong ảnh: Công nhân thi công dự án Đường D9, TP.Biên Hòa |
Năm 2022, Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu phải giải ngân đạt trên 90% nguồn vốn đầu tư công. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các đơn vị, các địa phương và các chủ đầu tư phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tổ công tác sẽ làm việc với các đơn vị, sở, ngành để rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ triển khai các dự án. Đồng thời, tổ công tác cũng sẽ làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư được giao nguồn vốn đầu tư công lớn trong năm 2022 như TP.Biên Hòa, H.Long Thành để kiểm tra hoạt động cũng như kế hoạch triển khai việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện triển khai các giải pháp giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ngành, các địa phương và chủ đầu tư phải thể hiện quyết tâm cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trọng những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021.
Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, có sự chủ động để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong tháng 2-2022, UBND tỉnh cũng đã có công văn về việc chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 10/CT-UBND (ngày 19-9-2019) của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Hội đồng Bồi thường dự án của các địa phương nghiêm túc thực hiện đúng thời gian trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt công tác tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải có cam kết với UBND tỉnh về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt từ 90% trở lên. Đồng thời, các chủ đầu tư phải xây dựng đường gantt công việc cụ thể của từng dự án xác định lại nguồn vốn có thể giải ngân trong từng giai đoạn để cụ thể hóa quá trình giải ngân nguồn vốn.
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng giải ngân không hết nguồn vốn được bố trí, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện rà soát nhu cầu, tiến độ giải ngân nguồn vốn. Trường hợp không có khả năng giải ngân hết số vốn được giao, các chủ đầu tư, các địa phương phải có văn bản gửi Sở KH-ĐT, Sở Tài chính để xem xét điều chỉnh vốn. “Kiên quyết không để nguồn vốn phải kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm sau nếu không có nguyên nhân chính đáng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức
lưu ý.
Phạm Tùng