Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "cú hích" để phục hồi kinh tế

09:03, 01/03/2022

Hiện nay, các DN tại Đồng Nai và cả nước vẫn đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong 2 tháng đầu năm 2022, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn nên rất cần những chính sách hỗ trợ để phát triển.

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai và cả nước vẫn đang trên đà phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong 2 tháng đầu năm 2022, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn nên rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để ổn định và phát triển.

Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2022 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2022 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Chính phủ vừa đưa ra kịch bản và các giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế trong nước, đảm bảo mức tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5% so với năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dự kiến trong năm nay, GDP trên toàn cầu chỉ tăng 3-4,5%.

* “Bệ đỡ” cho phát triển kinh tế năm 2022

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ thì năm 2022, GDP phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người 3,9 ngàn USD. Để thực hiện được kế hoạch này, Việt Nam đã xây dựng hai kịch bản cho nền kinh tế trong nước. Trong đó, nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, GDP có thể tăng trưởng 6,5-7%. Trường hợp Việt Nam phòng, chống dịch chưa hiệu quả, chậm triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì GDP có thể chỉ tăng 5-5,5%.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến 98% DN và hiện đa số các DN đều thiếu vốn đầu tư sản xuất nhưng rất ít tiếp cận quỹ hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Do đó, các DN nhỏ và vừa rất cần được Chính phủ hỗ trợ về chính sách, giảm bớt các thủ tục để có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, các quỹ hỗ trợ. Đồng thời, Chính phủ xem xét dành 30% công trình, dự án đầu tư công cho DN nhỏ và vừa tham gia. Vì thực tế thời gian qua, nhiều công trình, dự án đầu tư công do DN nhỏ thi công nhưng nhận lại từ các DN lớn.

Đầu tháng 1-2022, trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong năm 2022, Chính phủ sẽ thực hiện tốt chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, các DN nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần phục hồi nền kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động theo tinh thần: Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. 

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả cao, làm “bệ đỡ” cho tăng trưởng năm 2022. Cụ thể, GDP năm 2021 tăng 2,58%, đứng trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục mới với 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 31,5 tỷ USD, tăng 9,2%; thu ngân sách nhà nước 1.523,4 ngàn tỷ đồng, đạt 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 ngàn tỷ đồng); kinh tế số phát triển.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4-4,5%, lạm phát có thể tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu còn tiếp diễn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam khả năng phục hồi và mức tăng trưởng sẽ cao hơn bình quân chung toàn thế giới. Vì thế, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư, giao thương thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh:H.Giang

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết: “Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành dệt may Việt Nam nhưng các DN ứng phó linh hoạt nên xuất khẩu năm 2020 đạt gần 35,3 tỷ USD, năm 2021 là 39 tỷ USD. Có được kết quả trên là do các DN phối hợp sản xuất theo chuỗi và Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục sản xuất. Năm 2022, mục tiêu của ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42,5-43 tỷ USD”. Cũng theo ông Giang, DN ngành dệt may cũng như các ngành khác rất cần Chính phủ tiếp tục hỗ trợ DN bằng chính sách, tạo thuận lợi trong xuất, nhập khẩu và sản xuất.

Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ có yêu cầu tỉnh làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.

* Triển khai đồng bộ các giải pháp

Năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do dịch bệnh, thiên tai và Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ những vấn đề trên. Do đó, Chính phủ đã đưa ra 12 giải pháp để khắc phục những khó khăn nhằm ổn định phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Vấn đề Chính phủ ưu tiên hàng đầu là triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 35% GDP và lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội. Ngoài ra, cần thu hút chọn lọc nguồn lực đầu tư FDI, tổ chức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành chuỗi giá trị, tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nhân lực... Chú trọng đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN FDI.

Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh
Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành linh hoạt, đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa để ổn định thị trường tiền tệ, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trên các nước vào dịp đầu năm để triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý: “Các địa phương phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, tạo nền tảng phát triển kinh tế số. Ưu tiên nguồn vốn để triển khai nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Ngoài ra, trong năm 2022, Đồng Nai và các tỉnh, thành trên cả nước cũng sẽ chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính sách đã có nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, các thủ tục để hưởng các chính sách ưu đãi còn rườm rà, chi phí về logistics tiếp tục tăng, vận chuyển hàng hóa đang bị nghẽn tại các cảng trong và ngoài nước…

Ngoài ra, nhiều DN đề xuất Chính phủ tiếp tục giảm thuế cho DN trực tiếp sản xuất và tăng thu từ lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản để bù lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hương Giang

Tin xem nhiều