Sản xuất hồi phục cùng với việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vốn mở rộng nhà xưởng nên nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều.
[links()]Sản xuất hồi phục cùng với việc các doanh nghiệp (DN) tiếp tục đầu tư vốn mở rộng nhà xưởng nên nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều.
Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: V.Gia |
Dự báo trong năm 2022, Đồng Nai cần tuyển dụng trên 130 ngàn lao động, nhưng việc tuyển dụng ngày càng khó khăn. Các DN tìm mọi phương án để ưu đãi, thu hút công nhân về với đơn vị mình.
* Hơn 130 ngàn vị trí việc làm đang chờ người lao động
Cuối tháng 2 vừa qua, Sàn giao dịch việc làm trực tiếp lần thứ 1-2022 đã được tổ chức với 35 đơn vị đăng ký tuyển dụng, tổng nhu cầu tuyển dụng tại sàn là hơn 8,4 ngàn lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng phân theo trình độ, cụ thể là: bậc cao đẳng, đại học chiếm 1,02%; trung cấp, công nhân kỹ thuật 0,87%; sơ cấp nghề 0,34%; và chiếm đông đảo số lượng lao động phổ thông 97,77%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các DN tập trung trong các lĩnh vực như may mặc, giày da, linh kiện điện tử, sản phẩm điện gia dụng, bảo hiểm, gỗ…
Mặc dù số lượng tuyển lớn song tại sàn giao dịch trực tiếp này, chỉ có 400 lượt lao động tham gia tìm cơ hội việc làm, do vậy vẫn còn nhiều vị trí việc làm chờ ứng viên. Tổng hợp kết quả tham dự sàn giao dịch việc làm cho thấy, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đối với lao động đã qua đào tạo tương đối cao, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông rất cao (chiếm 97,77% tổng nhu cầu) nhưng mức độ đáp ứng chỉ đạt 2,69%.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dự báo trong năm 2022, tỉnh Đồng Nai cần trên 130 ngàn lao động, trong đó cần hơn 100 ngàn lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Trong triển khai các chương trình tuyển dụng, trung tâm đặc biệt chú trọng khâu chuẩn bị, thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin như: đăng tin trên cổng thông tin điện tử http://vieclamdongnai.gov.vn, các trang mạng xã hội (Facebook fanpage, Zalo), phối hợp phổ biến phương tiện báo, đài, thông báo đến Tỉnh đoàn và các phòng LĐ-TBXH huyện, thành phố trong tỉnh. Để nâng cao hiệu quả Sàn giao dịch việc làm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng/tìm việc của DN và người lao động, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối lao động các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai…
* Ưu đãi để giữ chân lao động
Một trong những DN đang đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động nhiều là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang tham gia đầu tư góp vốn vào 19 dự án, trong đó có 17 dự án trong nước và 2 dự án ở nước ngoài. Trong số đó, phân nửa dự án đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Nhu cầu sử dụng lao động khi các dự án này đi vào hoạt động là rất lớn.
Riêng với lực lượng công nhân lao động cạo mủ cao su, những năm qua theo thời gian, số lượng công nhân ngày một trở nên thiếu hụt. Lao động địa phương Đồng Nai và các tỉnh lân cận rất khó để tuyển dụng, nhất là đối với ngành cao su, do vậy DN tìm cách về vùng sâu, các tỉnh miền núi để tuyển dụng lao động.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai Đỗ Minh Tuấn, hiện tại, nhờ những nỗ lực của mình mà DN đã tuyển thêm được 300 lao động mới từ khu vực miền núi phía Bắc. Ông Tuấn cho hay, DN đã về tận các địa phương để phối hợp tuyển dụng và công ty chuẩn bị nơi ở ổn định, đào tạo nghề cơ bản để số lao động này gắn bó lâu dài với mình.
Tương tự, các DN ngành gỗ cũng đang cần tuyển dụng nhiều lao động, nhưng việc tuyển dụng rất khó. Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, sản xuất gỗ là ngành cần nhiều lao động. Ngành gỗ còn nhiều cơ hội trên thị trường xuất khẩu nên nhu cầu tuyển dụng lao động sản xuất lớn. Với một nhà máy mới đi vào hoạt động thì cần ít nhất hàng trăm lao động, nhưng còn phải cạnh tranh lao động với các DN ngành nghề khác nữa.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh Nguyễn Công Thụy nhận định, việc tuyển dụng lao động ngày một khó khăn nên DN sẽ tìm cách để người lao động gắn bó với mình. “DN chúng tôi hiện có hơn 200 lao động, cơ hội để phát triển sản xuất vẫn lớn nhưng thời điểm này để tuyển thêm người mới là rất khó, một phần vì lao động phổ thông ít quan tâm tới ngành sản xuất gỗ. Do vậy, đảm bảo các chế độ chính sách tốt cho người lao động, nhất là những lao động địa phương được tuyển dụng từ trước là rất quan trọng” - ông Thụy khẳng định.
Văn Gia