Hiện nay, cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều đặt yêu cầu cao với chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, chế biến.
[links()]Hiện nay, cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều đặt yêu cầu cao với chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, chế biến.
Đồ họa thể hiện tình hình xây dựng cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Việc liên kết với nông dân, HTX xây dựng những vùng nguyên liệu quy mô lớn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
* Cánh đồng lớn… vẫn nhỏ
Bộ NN-PTNT vừa triển khai thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn về lúa gạo, cây ăn trái, cà phê, trồng rừng. Cụ thể, dự án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn gồm: sản xuất lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang và An Giang; cây ăn trái tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và Sơn La; cà phê tại các tỉnh Tây nguyên và phát triển trồng rừng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Việc phát triển các vùng nguyên liệu lớn này gắn với việc xây dựng, phát triển HTX trong vùng dự án, có sự liên kết, đồng hành của DN trong chuỗi ngành hàng. Quy mô các vùng nguyên liệu trên đạt đến hàng chục ha, thậm chí cả trăm ngàn ha. Các vùng này sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nhà xưởng chế biến, thúc đẩy phát triển tổ chức nông dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng nguyên liệu, xây dựng bản đồ quản lý sản xuất nông nghiệp, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Khuyến nông cộng đồng và truyền thông phát triển vùng nguyên liệu, tư vấn phát triển HTX...
Cánh đồng lớn cây chôm chôm tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: Bình Nguyên |
Các vùng nguyên liệu sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, tích hợp các giá trị trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả, đáp ứng các điều kiện như: nằm trong vùng quy hoạch, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hiện đại hóa sản suất, áp dụng cơ giới hóa, tạo được mối liên kết sản xuất và huy động được các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Nhìn lại, chủ trương xây dựng “cánh đồng lớn” của Bộ NN-PTNT từng được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu để sản xuất nông nghiệp thoát khỏi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát để chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng hóa lớn. Vì nhỏ lẻ làm cho chi phí sản xuất cao, manh mún gây khó khăn cho cơ giới hóa; tự phát khiến chất lượng nông sản không đồng đều.
Nhưng thực tế xây dựng cánh đồng lớn ở các địa phương vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt hàng chục dự án cánh đồng lớn do cả HTX và DN đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đa số quy mô nhiều dự án chỉ dừng lại ở mức vài chục ha. Một số dự án theo kế hoạch của DN đầu tư đặt ra mục tiêu phát triển cả ngàn ha nhưng nhiều năm triển khai vào thực tế chỉ mới hình thành được vài chục, vài trăm ha và hành trình để phát triển đến con số như mục tiêu ban đầu đề ra vẫn rất dài vì còn rất nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình thực hiện.
Dự án Cánh đồng lớn trồng ca cao xen điều do Công ty CP Bamboo Capital (TP.HCM) đầu tư tại xã An Viễn, H.Trảng Bom rồi tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu cả ngàn ha. Khởi động vào năm 2016 nhưng đến nay dự án cánh đồng lớn An Viễn chỉ mới phát triển được vài chục ha ca cao xen canh cây điều, dù DN này đã đầu tư nhà máy thu mua, chế biến hạt ca cao ngay tại vùng nguyên liệu kèm với nhiều chính sách hỗ trợ nông dân tham gia cánh đồng lớn.
Cánh đồng lớn cây tiêu tại H.Cẩm Mỹ |
Ông Nguyễn Văn Thu, một trong những nông dân tiên phong tham gia dự án Cánh đồng lớn trồng ca cao xen điều tại xã An Viễn với quy mô gần chục ha chia sẻ: “Giai đoạn đầu tham gia dự án cánh đồng lớn trồng ca cao xen canh trong vườn điều, nông dân gặp rất nhiều khó khăn vì việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như điện, đường vẫn chậm tiến độ hơn so với kế hoạch đề ra. Nhiều nông dân e ngại tham gia cánh đồng lớn vì chưa có lòng tin. Hiện nay, tuy cây ca cao trồng xen canh trong vườn điều ở vùng này chỉ mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế đã tăng rõ rệt so với chuyên canh cây điều nên nhiều nông dân bắt đầu tích cực tham gia”.
Nói về khó khăn đầu tư vùng chuyên canh lớn tại địa bàn Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) Trần Quang Tính cho biết thêm, DN đã có những đối tác xuất khẩu dưa lưới đi nhiều nước nên cần xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Nhưng DN không tìm được nguồn quỹ đất lớn cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai nên đã chuyển hướng đầu tư về tỉnh Ninh Thuận với quy mô trang trại khoảng 500ha. Thiếu quỹ đất lớn cho sản xuất nông nghiệp cũng là nguyên nhân khiến một số DN đang hoặc dự tính đầu tư cánh đồng lớn tại Đồng Nai chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh vùng Tây nguyên, miền Trung và thậm chí là ở Lào.
* Thiếu chuỗi liên kết bền vững
Dịch bệnh Covid-19, việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Trung Quốc và xuất khẩu gặp khó khăn ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tiêu thụ nông sản. Vì nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây tươi, có tính mùa vụ nên ngay khi xảy ra việc xuất khẩu bị đình đốn, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được. Hơn bao giờ hết, xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ bền vững có vai trò quan trọng như hiện nay.
Nhưng thực tế, liên kết giữa DN, HTX và nông dân vẫn dễ dàng bị bẻ gãy; HTX chưa phát huy hết vai trò cầu nối liên kết... là những rào cản không nhỏ trong xây dựng và tiếp tục mở rộng quy mô cánh đồng mẫu lớn.
Cánh đồng lớn ca cao tại H.Định Quán. Ảnh: BÌNH NGUYÊN |
Chỉ ra nghịch lý lớn hiện nay, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vi nhận xét, nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi trong nước đang rơi vào cảnh rớt giá vì nguồn cung lớn, thậm chí bị ùn ứ. Trong khi đó, nhiều thị trường đang mở cửa nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam với nhu cầu rất lớn nhưng sản phẩm trong nước không đáp ứng được. Cụ thể, thời gian gần đây, khi Trung Quốc kiểm tra về đóng gói cũng như mã số vùng, rất nhiều lô hàng xuất khẩu rau, trái cây của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn. “Để tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu...” - bà Vi nói.
Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) chia sẻ: “Nhiều năm liền xây dựng cánh đồng lớn sầu riêng, HTX luôn nỗ lực tìm đối tác là các hệ thống siêu thị, DN nội địa và xuất khẩu để tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia cánh đồng lớn. Nhưng đến nay, HTX vẫn chưa thực sự xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ vì giá sầu riêng biến động quá lớn, khi mặt hàng này sốt giá, nông dân sẵn sàng bán cho các thương lái bên ngoài. HTX khó đảm bảo về sản lượng khi ký kết hợp đồng với DN nên đầu ra vẫn thả nổi theo thị trường”.
Bình Nguyên