Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị nền tảng cho học sinh lên lớp 10

08:03, 31/03/2022

Trong khi dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc triển khai chương trình GDPT mới lớp 10 thì các học sinh lớp 9 vẫn còn khá thờ ơ với các thông tin liên quan.

Trong khi dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới lớp 10 thì các học sinh lớp 9, những người sẽ học chương trình này vào năm học 2022-2023 vẫn còn khá thờ ơ với các thông tin liên quan.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch (bìa trái) và Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) Trần Đình Vinh tham khảo các sách giáo khoa lớp 10 mới
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch (bìa trái) và Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) Trần Đình Vinh tham khảo các sách giáo khoa lớp 10 mới. Ảnh: TƯỜNG VI

Việc phổ biến cho học sinh về những điểm thay đổi cơ bản của chương trình lớp 10 mới phải trông chờ vào các trường THCS. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các trường lại đang phải tất bật lo cho công tác kiểm tra giữa học kỳ 2, chọn sách giáo khoa mới…

* Học sinh cần có đầy đủ thông tin

Em Lâm Thanh Thảo, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) cho biết, em chỉ biết rằng kiến thức của chương trình lớp 10 nặng hơn so với THCS chứ chưa tìm hiểu kỹ về điểm mới của chương trình lớp 10 mới. Em cũng tỏ ra khá bất ngờ khi nghe thông tin học sinh sẽ được chọn tổ hợp môn học theo năng lực, sở thích của bản thân.

Theo Thảo, nếu được lựa chọn, em sẽ chọn tổ hợp môn học thuộc khối B để theo đuổi ngành Y dược hoặc sẽ chăm chút cho môn tiếng Anh để theo đuổi nhóm ngành Ngôn ngữ. “Ở giai đoạn hiện tại, em chỉ biết tập trung học thật tốt, khi chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10 thì cần tư vấn thêm để có sự lựa chọn tốt nhất” - Thảo chia sẻ.

Một giáo viên môn Hóa ở H.Cẩm Mỹ cho hay, chương trình môn Hóa ở lớp 10 mới “nặng” hơn so với chương trình hiện hành. Theo đó, chương trình mới ở lớp 10 có thêm một số nội dung, chủ đề mới; toàn bộ tên hóa học đều được đọc theo phiên âm quốc tế chứ không đọc theo tiếng Việt (chẳng hạn đọc là Aluminium chứ không đọc là Nhôm). Ưu điểm là các nội dung bài học được thiết kế chi tiết, mạch lạc; các chuyên đề được xây dựng gần gũi với thực tế và mang tính ứng dụng. “Chương trình như vậy là phù hợp với dạy học định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp môn học gắn liền với định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, vì chương trình nặng hơn nên có thể học sinh sẽ bị “đuối” giữa chừng. Bộ GD-ĐT cho phép học sinh chọn tổ hợp môn học khác khi lên lớp 11 nhưng chưa chắc các em có thể theo kịp tổ hợp mới khi chọn lại. Vì vậy, học sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký chọn tổ hợp môn. Nếu đã chọn rồi thì cần cố gắng theo đuổi” - giáo viên này cho hay.

* Bổ trợ kiến thức cho học sinh lớp 9

Để chuẩn bị nền tảng cho học sinh lớp 9 lên học lớp 10 theo chương trình GDPT mới, hiện nay giáo viên các trường THCS đang nghiên cứu tài liệu giảng dạy, điều chỉnh kế hoạch bài giảng để bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 9 trong chương trình GDPT hiện hành đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Giáo viên dựa vào bộ tài liệu này để xây dựng, điều chỉnh các bài học, chủ đề cho phù hợp.

Theo đó, có 3 hướng điều chỉnh là: Bổ sung những nội dung kiến thức có trong chương trình GDPT mới nhưng không có trong chương trình GDPT hiện hành; tinh giản những nội dung kiến thức có trong chương trình GDPT hiện hành nhưng không có trong chương trình GDPT mới; điều chỉnh cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt đối với những nội dung kiến thức có cả trong chương trình GDPT 2018 và chương trình GDPT hiện hành. Các giáo viên lớp 9 hiện khá vất vả vì Bộ chỉ cung cấp các nội dung kiến thức cần điều chỉnh, bổ sung, giáo viên phải tự nghiên cứu tài liệu để đưa vào dạy.

Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) Đặng Thị Tuyết cho hay, giáo viên được quyền linh động, chủ động thực hiện chương trình. Vì vậy, ở thời điểm hiện nay, đa số giáo viên ưu tiên đảm bảo kiến thức cho học sinh thi học kỳ trước, các nội dung cần bổ sung sẽ được xây dựng để thực hiện vào giai đoạn cuối năm học. Năm nay, các trường có thêm 2 tuần dự phòng nên có thể đảm bảo được phần bổ trợ kiến thức này.

Đội ngũ giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật không chỉ thiếu trầm trọng ở các trường THPT mà còn thiếu ở cả các trường tiểu học, THCS. Trong khi đó, công tác đào tạo giáo viên những bộ môn này chưa thực sự được chú trọng. Do đó, tình trạng thiếu giáo viên các môn nghệ thuật ở bậc phổ thông chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH, với vai trò đào tạo đội ngũ giáo viên, Trường đại học Đồng Nai cần nghiên cứu kỹ chương trình GDPT tổng thể 2018 để xây dựng, đề xuất chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời xây dựng đề án tuyển sinh đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Ngoài 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật, hiện tỉnh đang thiếu nhiều giáo viên Tin học, Giáo dục thể chất” - ông Thạch cho hay.

Tường Vi

Tin xem nhiều