Mới đây, Chính phủ đã ra thông báo mời gọi doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 5 dự án lớn tại Đồng Nai với tổng vốn hơn 6 tỷ USD. Các dự án trên đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông...
[links()]Mới đây, Chính phủ đã ra thông báo mời gọi doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 5 dự án lớn tại Đồng Nai với tổng vốn hơn 6 tỷ USD. Các dự án trên đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
3 dự án đường sắt được Chính phủ mời gọi đầu tư FDI vào Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư FDI giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai có 5 dự án gồm: Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh.
* Ưu tiên dự án đường sắt
Có 3/5 dự án lớn Chính phủ mời gọi DN FDI đầu tư vào Đồng Nai thuộc lĩnh vực đường sắt, trong đó, dự án Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng có vốn lớn nhất, khoảng 2,977 tỷ USD. Tuyến đường sắt có chiều dài hơn 39km, bắt đầu từ H.Trảng Bom đi qua TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, qua tỉnh Bình Dương và đến TP.HCM. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án này khi triển khai xây dựng sẽ thu hồi khoảng 72ha đất của H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Dự án Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đường sắt quốc gia với cảng Cái Mép và các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài 84km. Tuyến đường sắt này sẽ chia làm 2 giai đoạn để thực hiện, tổng vốn đầu tư 2,47 tỷ USD. Điểm đầu của dự án tại TP.Biên Hòa và kéo dài qua H.Long Thành đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vốn đầu tư của giai đoạn 1 khoảng 1,47 tỷ USD và giai đoạn 2 là 1 tỷ USD.
Tiếp đến là dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm kết nối hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành và ngược lại. Tuyến đường sắt nhẹ có chiều dài 37km, vốn đầu tư 174 triệu USD. Mục đích đầu tư các dự án tuyến đường sắt là để cải thiện tình trạng giao thông đô thị như: giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, vận chuyển được nhiều hàng hóa khối lượng lớn từ các khu công nghiệp đến các cảng biển, cảng hàng không trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận khác.
TP.Biên Hòa sẽ triển khai 2 dự án đường sắt với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa cho biết: “Tốc độ đô thị hóa của Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương rất nhanh, công nghiệp phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, lưu thông rất lớn. Do đó, Chính phủ đầu tư các tuyến đường sắt sẽ giảm tải rất lớn cho giao thông đường bộ. Hành khách, hàng hóa sử dụng phương tiện đường sắt sẽ đảm bảo đúng thời gian theo quy định, giảm được tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, đường sắt còn có ưu thế là vận chuyển được nhiều hàng hóa cồng kềnh, có khối lượng lớn và giá rẻ hơn nhiều so với đường bộ”.
Đây cũng là lý do để giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ mời gọi DN FDI đầu tư 11 tuyến đường sắt trên cả nước. Trong đó, ưu tiên nhiều dự án đường sắt cho khu vực Đông Nam bộ để kết nối với các cảng, tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Các dự án trên hoàn thành sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Đồng Nai tiến hành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng để triển khai kịp thời theo đúng lộ trình”.
* Mong sớm triển khai dự án
Các huyện, TP.Biên Hòa, nơi được quy hoạch các dự án cấp quốc gia đang thu hút đầu tư FDI ở trên, đều mong các dự án sớm được triển khai để không ảnh hưởng đến quy hoạch và người dân trong vùng dự án. Vì thế, các địa phương đều đã chuẩn bị trước một số khâu như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, xây dựng để khi dự án tìm được nhà đầu tư có thể thực hiện theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Những dự án cấp quốc gia đang được Chính phủ mời gọi DN FDI đầu tư vào Đồng Nai thì TP.Biên Hòa có 2 dự án: Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng. Hiện thành phố đã cập nhật các dự án trên vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Các thủ tục liên quan đến đầu tư do Bộ GT-VT và UBND tỉnh thực hiện, phía thành phố sẽ phối hợp trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng”. Cũng theo ông Nguyên, các dự án đã được quy hoạch, TP.Biên Hòa mong Chính phủ, tỉnh sẽ nhanh chóng mời gọi được nhà đầu tư, sớm khởi công hoàn thành dự án đưa vào khai thác. Dự án hạ tầng giao thông lớn hoàn thành sớm sẽ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của địa phương và ít ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng quy hoạch dự án.
Lâu nay, có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch nhiều năm nhưng chưa được đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng đến quy hoạch của các địa phương, hạn chế một số quyền lợi của người dân. Người dân có đất quy hoạch trong dự án sẽ không yên tâm đầu tư vốn để phát triển sản xuất lâu dài, vì thế bị giảm thu nhập trên từng thửa đất.
Bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) chia sẻ: “Tới đây, dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có thể sẽ đi qua đất của gia đình tôi. Do đó, tôi và những hộ dân có đất nằm trong dự án đều mong Trung ương, tỉnh sớm thực hiện dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân thỏa đáng để chúng tôi giao đất. Dự án kéo dài không làm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu quy hoạch vì đất đai muốn chuyển nhượng hoặc sản xuất đều khó khăn”.
H.Long Thành dành hơn 6,1 ngàn ha đất cho phát triển hạ tầng giao thông |
Thực tế, đa số các dự án trên đều là chuyển tiếp quy hoạch từ giai đoạn trước qua và chưa biết khi nào mời gọi được nhà đầu tư để tiến hành khởi công. Đây là khó khăn chung của nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác. Nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn và phải phân bổ cho tất cả các tỉnh, thành. Ngoài lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, còn nhiều dự án trên các lĩnh vực khác cần phải ưu tiên để triển khai.
Dự án muốn mời gọi được DN FDI đầu tư thì phải có đủ sức hấp dẫn. Vấn đề nhiều DN FDI ngại ngần nhất là thủ tục trong đầu tư tương đối phức tạp, có những dự án DN phải mất đến 3-4 năm mới hoàn tất được. Tiếp đến là khâu kiểm kê đất đai để bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng kéo dài 3-5 năm, có những dự án riêng công tác bồi thường kéo dài gần 10 năm. Những “nút thắt” này đang là “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư các dự án trong nước, FDI của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo các DN, nếu thủ tục về đầu tư được đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết, giải phóng mặt bằng nhanh thì việc thu hút đầu tư các dự án tại nhiều địa phương sẽ thuận lợi hơn.
Hương Giang