Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường xử phạt giao thông bằng công nghệ

11:02, 23/02/2022

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT vừa giảm tải cho lực lượng chức năng, vừa phòng, chống dịch bệnh...

[links()]Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vừa giảm tải cho lực lượng chức năng, vừa phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, ngành Công an nghiên cứu, triển khai phương án lắp đặt camera giám sát, xử phạt vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường và địa bàn phức tạp về ATGT.

Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nguyên
Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nguyên

* Sẽ hạn chế cảnh sát giao thông ra đường

Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ do Bộ Công an đề xuất đang là chủ đề được dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, người dân dành sự quan tâm rất lớn về quyền hạn, hoạt động của lực lượng thực thi của dự thảo luật này là cảnh sát giao thông (CSGT) đối với người tham gia giao thông cũng như xử lý các vi phạm một cách minh bạch và hiệu quả.

Theo Cục CSGT, nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an đã chỉ đạo, tiến tới CSGT sẽ hạn chế tối đa việc dừng xe trực tiếp. Thay vào đó, tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ một cách tối đa lực lượng công an mà cụ thể là CSGT làm nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp lực lượng chức năng xử lý hầu hết mọi vấn đề về giao thông, trong đó có xử phạt vi phạm, ngoại trừ một số vi phạm buộc phải kiểm tra trực tiếp như: vi phạm về nồng độ cồn, lái xe có sử dụng ma túy… Ngoài ra, CSGT khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực.

Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng CSGT có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối CSGT. Đồng thời, camera này cũng nhằm để theo dõi, giám sát và xác định trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất.

Có thể nói, dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ là một sự thay đổi lớn với phạm vi điều chỉnh bao quát nhiều vấn đề, tuy nhiên những thay đổi này đều dựa trên sự đánh giá hiệu quả với thực tế cũng như hệ thống luật pháp Việt Nam. Từ đó, tạo lập thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại.

* Đẩy mạnh các giải pháp tuần tra, xử lý vi phạm

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, năm 2022, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, lực lượng CSGT cũng sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng khi điều khiển phương tiện.

Tại Đồng Nai, theo Phòng CSGT Công an tỉnh, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các đoạn đường, tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bố trí thêm lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT.

Công an tỉnh cũng sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về ATGT. Trọng tâm là các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình trật tự ATGT và các vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng CSGT đẩy mạnh sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát giao thông để phát hiện, xử lý các vi phạm về ATGT.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều