Theo kế hoạch, ngày 14-2, học sinh toàn tỉnh sẽ đồng loạt trở lại trường. Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trường cũng đã có kế hoạch củng cố, hệ thống lại kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học online.
Theo kế hoạch, ngày 14-2, học sinh toàn tỉnh sẽ đồng loạt trở lại trường. Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trường học cũng đã có kế hoạch củng cố, hệ thống lại kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học online.
Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) tham gia dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại trường vào ngày 14-2. Ảnh: Hải Yến |
* Tập trung củng cố kiến thức, phụ đạo cho học sinh
Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) có 72 lớp với hơn 2,7 ngàn học sinh. Để có đủ chỗ học, trường phải thuê thêm 12 phòng học của Trường cao đẳng Thống kê 2 cho 24 lớp học. Học sinh đông trong khi không gian trường khá chật chội nên việc đảm bảo khoảng cách là khó khả thi. Tuy nhiên, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt đã lên kế hoạch phòng, chống dịch nhằm đảm bảo tốt nhất cho học sinh khi đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tập Phước (xã Long Phước, H.Long Thành) cho biết: “Nhà trường đã xây dựng kịch bản đón học sinh đồng loạt trở lại trường vào ngày 14-2. Theo đó, khối 1, 2, 5 học buổi sáng; khối 3, 4 học buổi chiều. Ngoài ra, các khối lớp cũng đi học lệch giờ khoảng 30 phút để đảm bảo khoảng cách. Giờ ra chơi thì cho trẻ chơi tại lớp, giờ thể dục cũng chia các lớp theo khu vực khác nhau… Trước ngày 14-2, nhà trường sẽ dọn vệ sinh trường lớp, lau lại bàn ghế, phun xịt khử khuẩn…”.
Trước Tết, Trường tiểu học Tập Phước đã tổ chức cho học sinh khối 1, 2 đi học tại trường được 2 tuần. Theo cô Hiền, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, đội ngũ giáo viên phải tập trung nhiều thời gian để củng cố kiến thức cho các em, nhất là học sinh lớp 1. Vì không được giáo viên “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng nét chữ trong thời gian học trực tuyến nên rất nhiều học sinh không theo kịp chương trình. Với cách làm đó, sau khi học sinh toàn trường đi học trực tiếp, nhà trường cũng sẽ vừa ôn tập, vừa dạy chương trình mới cho học sinh. Đối với những học sinh yếu kém thì giáo viên sẽ tranh thủ thêm thời gian để phụ đạo cho các em.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công tác chuẩn bị đón trẻ em trở lại trường tại Trường mầm non song ngữ Á Châu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Ảnh:C.Nghĩa |
Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng là một trong những trường có sĩ số học sinh đông ở TP.Biên Hòa với khoảng 4,5 ngàn học sinh, 99 lớp học. Trường tổ chức bán trú nên việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch càng được đề cao.
Thầy Nguyễn Quang Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường bố trí cho các khối lớp đi học, ăn trưa lệch giờ. Mỗi học sinh được sắp xếp ngồi 1 bàn ăn, mỗi bàn ăn cách nhau từ 2,5-3m. Nhà trường phân bố vị trí ngồi cố định cho học sinh để phòng ngừa trường hợp học sinh mắc Covid-19 thì dễ cách ly, xử lý.
Ngay khi học sinh đi học trở lại, nhà trường tổ chức khảo sát, phân loại để có kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho các em bởi sau thời gian học online chắc chắn học sinh bị hổng kiến thức rất nhiều. Bên cạnh đó, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng cũng sẽ tập trung tối đa cho học sinh khối 12 để các em chuẩn bị tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
* Khối 12 tăng tốc vừa học, vừa ôn
Năm học 2021-2022 là năm học thực sự khó khăn và đầy thử thách đối với học sinh khối 12 khi thời gian học online kéo dài có thể khiến nhiều em không theo kịp chương trình hoặc lỡ nhịp ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, các trường THPT đã có kế hoạch tăng tốc, giúp học sinh khối 12 vừa hoàn thành chương trình học theo tiến độ, vừa ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Để đảm bảo 5K, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng phân bố vị trí ngồi ăn trưa cố định cho học sinh, mỗi em ngồi 1 bàn và cách nhau tối thiểu 2,5m |
Cô Bùi Thị Ngọc Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) cho hay, hơn 500 học sinh khối 12 của trường đã đến trường học từ ngày 10-12 - 2021. Trước đó, việc dạy và học online của trường diễn ra thuận lợi, giáo viên có thể giám sát được học sinh khá tốt. Vì vậy, sau khi trở lại trường học, giáo viên chỉ mất 1 tuần để hệ thống lại kiến thức cho học sinh, sau đó tiếp tục bài mới.
Hiện nay, học sinh khối 12 đã bước sang chương trình học kỳ 2 được 3 tuần. Sau 2 tuần nữa, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh học sinh khối 12 để lấy ý kiến về việc tổ chức ôn thi (dự kiến bắt đầu vào tháng 3). Theo đó, trường sẽ tổ chức học thêm vào buổi chiều và ngày thứ 7 để củng cố kiến thức, ôn thi tốt nghiệp cho học sinh.
Tại Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), dự kiến sau khi kiểm tra giữa học kỳ 2 (diễn ra vào tháng 3), nhà trường cũng sẽ sắp xếp thời khóa biểu để học sinh khối 12 có thể học thêm vào thứ bảy và các buổi chiều trong tuần để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp.
Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên cho hay: “Mặc dù nhà trường đã rất chủ động trong việc tổ chức dạy học online nhưng kết quả thực chất thì vẫn phải đợi khi các em làm bài kiểm tra giữa học kỳ 2 tại trường. Khi đó, nhà trường có thể nhìn nhận năng lực học sinh một cách chính xác hơn để có kế hoạch định hướng tốt hơn cho các em trong quá trình học và ôn thi”.
Còn tại Trường THPT Đắc Lua (H.Tân Phú), học sinh khối 9 và 12 của trường đã đi học trực tiếp từ ngày 29-11-2021. Giáo viên mất hơn 2 tuần để hệ thống lại kiến thức cho học sinh sau thời gian học online. Với 2 lớp 12, Trường THPT Đắc Lua đã tổ chức cho học sinh đi học thêm trái buổi được 4 tuần. Ngay sau Tết, việc học thêm vẫn được duy trì mỗi tuần 3 buổi. Nhà trường chia 2 lớp: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, theo môn thi tốt nghiệp để thuận tiện cho quá trình ôn thi.
Theo em Nguyễn Quốc Triệu, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán), sau thời gian nghỉ Tết, khi đi học trở lại, học sinh sẽ gặp một số tình huống như: quên bài vở, gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại kiến thức; vẫn còn trong tâm thế ăn Tết nên khó tập trung vào việc học; nhịp sống có sự thay đổi nên gặp khó khăn trong giờ giấc sinh hoạt…
Em Triệu bày tỏ: “Dù khó khăn nhưng em tin là em cùng các bạn nhất định sẽ vượt qua để trở lại nền nếp học tập như trước kia để hoàn thành chặng đường sắp tới và tiến bước vào cánh cửa đại học. Đó cũng là cách để chúng em có thể bù đắp được công sức của thầy cô đã nỗ lực dạy học trong suốt thời gian dịch bệnh”.
Hải Yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học
UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn rất rõ ràng và chi tiết kế hoạch cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trở lại trường vào ngày 14-2, đồng thời giao cho Sở GD-ĐT trực tiếp thực hiện và báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh.
Việc trở lại trường học trực tiếp là việc rất cần thiết vào lúc này để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời đảm bảo sức khỏe tâm thần và sự phát triển bình thường cho học sinh. Đối với học sinh lớp 6 đến lớp 12, việc cho các em trở lại trường càng thuận lợi hơn khi các em đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19.
Đối với những học sinh và trẻ em dưới 12 tuổi, tuy chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng thời gian qua cho thấy bản thân lứa tuổi này cũng có khả năng thích ứng tốt với dịch bệnh, nếu không may nhiễm Covid-19 thì thường ở thể nhẹ và không có triệu chứng. Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị tiến hành tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do đó việc đến trường của toàn bộ học sinh có thể càng trở nên thuận lợi hơn.
Để quá trình mở cửa toàn diện trường học từ mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, đề nghị Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị của các trường trước, trong thời gian đón học sinh trở lại trường, nhất là với các bậc học nhỏ tuổi như mầm non và tiểu học. Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã, phường tăng cường hỗ trợ các nhà trường tập huấn công tác phòng, chống dịch trong trường học, hỗ trợ xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.
Một trong những yêu cầu quan trọng giúp thực hiện thắng lợi công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học khi cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, đó là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Tuy tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang ở trạng thái vùng xanh (cấp độ 1) nhưng tuyệt đối không được chủ quan với công tác phòng, chống dịch, nhất là với biến thể mới Omicron.
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Mong nhận được sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ của phụ huynh
Có thể nói, quá trình triển khai thí điểm dạy học trực tiếp thời gian qua đã giúp ngành Giáo dục tự tin hơn khi ngày 14-2 sắp tới mở cửa lại toàn bộ trường ở tất cả các bậc học một cách thông suốt. Hiện công tác đảm bảo vệ sinh trường học đã sẵn sàng, thầy cô các trường đã được tập huấn kỹ lưỡng về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã chủ động việc chuẩn bị thiết bị, vật tư phòng, chống dịch như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, hệ thống bồn rửa tay và cả phương án khi phát hiện học sinh mắc Covid-19.
Ngành Giáo dục rất mong sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ và chia sẻ của phụ huynh để kế hoạch đưa học sinh trở lại trường những ngày tới sẽ diễn ra thuận lợi và thông suốt. Hằng ngày, trước khi các em đến trường, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra sức khỏe cho con em mình, đồng thời khi về nhà cũng cần chú ý xem con có các biểu hiện như: ho, sốt, khó thở hay không. Nếu có những phát sinh biểu hiện nói trên thì cần test nhanh để theo dõi và điều trị kịp thời.
Công Nghĩa (ghi)