Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển bền vững dưới tán rừng

08:02, 16/02/2022

Với tổng diện tích rừng lên đến 172,7 ngàn ha, gồm 123,7 ngàn ha rừng tự nhiên, 49 ngàn ha rừng trồng, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất trong khu vực Nam bộ. "Kho báu" này nhiều năm qua được tỉnh nỗ lực giữ gìn, phát triển và tìm mọi giải pháp để cân bằng, hài hòa giữa khai thác kinh tế từ rừng và chung tay bảo vệ môi trường.

Với tổng diện tích rừng lên đến 172,7 ngàn ha, gồm 123,7 ngàn ha rừng tự nhiên, 49 ngàn ha rừng trồng, Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất trong khu vực Nam bộ. “Kho báu” này nhiều năm qua được tỉnh nỗ lực giữ gìn, phát triển và tìm mọi giải pháp để cân bằng, hài hòa giữa khai thác kinh tế từ rừng và chung tay bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, tư duy phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách lâu dài, bền vững, nhân văn đã được đặt ra.

Thực tế, phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương có diện tích rừng lớn nghiên cứu và áp dụng từ khá lâu. Tùy đặc thù từng nơi, từng loại rừng, kinh tế dưới tán rừng có thể khai thác mạnh ở các ngành khác nhau như: du lịch, chăn nuôi, trồng và sản xuất dược liệu… Tuy nhiên, tất cả đều phải thực hiện dựa trên tư duy giữ gìn diện tích rừng, khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản, trồng và phát triển thêm nhiều diện tích rừng “để dành” cho tương lai…

Tại Đồng Nai, theo quy hoạch chia làm 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tỉnh vẫn đang thực hiện chủ trương đóng tất cả các loại rừng tự nhiên. Riêng với hơn 73,2 ngàn ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, tỉnh đặt ra nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Thời gian qua, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được người dân triển khai như: trồng vối, đinh lăng, bạc hà, nghệ vàng… dưới tán rừng. Một số nơi cũng bắt đầu thiết kế và khai thác được các hình thức du lịch đặc thù, hấp dẫn nhờ “nương” vào những lợi thế sẵn có của rừng.

Tuy vậy, nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có, chưa thu hút được chủ rừng và người trồng rừng quan tâm. Nguyên nhân do còn nhiều thách thức: thiếu mô hình phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, chi phí đầu tư cao, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có các chính sách hỗ trợ các hoạt động kinh tế đặc thù này…

Chính vì vậy, trong tương lai, để giữ gìn và phát triển rừng, để cả người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều nhìn thấy những lợi ích của mình trong việc phát triển kinh tế rừng bền vững, cần phát triển, khai thác rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng địa phương.

Định hướng của Bộ NN-PTNT sẽ là đổi mới mô hình tăng trưởng, từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi, từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu cho lâm sản, đẩy mạnh liên kết vùng. Trên tất cả những điều đó, cần làm cho người dân tham gia vào chuỗi kinh tế “dưới tán rừng” thực sự mong muốn tham gia, mong muốn trở thành một phần trong việc giữ gìn và phát triển rừng. Có như thế, “lá phổi xanh” cực kỳ quan trọng này mới có thể tồn tại song song một cách hài hòa với sự phát triển của địa phương, đất nước trong thời đại ngày nay.    

Vi Lâm

Tin xem nhiều